Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Năm 2012, nhiều doanh nghiệp thép sẽ phá sản

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sang năm 2012 sẽ có nhiều DN thép phá sản. Những doanh nghiệp ngốn nhiều năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, chất lượng sản phẩm không tốt sẽ phải đóng cửa.

Đây chính là hậu quả của việc bất chấp cảnh báo, một loạt dự án thép công suất nhỏ, dây chuyền lạc hậu đã được triển khai xây dựng tại các địa phương trong thời gian qua.

Lỗ nặng

Ông Đinh Huy Tam, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết, tăng trưởng tiêu thụ thép 9 tháng đầu năm 2011 ở mức âm và dự báo cả năm 2011 sẽ tăng trưởng âm. Năm 2012, tăng trưởng  thép chỉ ở mức 4%, thấp hơn  nhiều so với các năm trước đây, vì vậy sẽ đẩy nhiều DN  lâm vào cảnh khó khăn, các vấn đề yếu kém của các DN thép sẽ bộc lộ.

Điều mà Hiệp hội Thép dự báo trên thực tế đã diễn ra sớm hơn. Hiện nay, Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) đã phải ngừng sản xuất. Vạn Lợi hiện đang là con nợ của 6 tổ chức tín dụng, với nhiều món nợ xấu, giá trị lớn, bên cạnh đó Vạn Lợi cũng nợ cả tiền điện hơn 11 tỷ đồng và nợ Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng gần 7 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thép Đình Vũ ( Hải Phòng) liên tục lỗ trong mấy năm qua, có năm lỗ tới hàng trăm tỉ đồng, dù đã chuyển nhượng tới 70% cổ phần cho một tập đoàn đầu tư đến từ Úc, thì sản xuất hiện tại  vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa.

Công ty cổ phần Thép Cửu Long Vinashin chưa sản xuất được bao lâu đã lâm vào tình cảnh "đắp chiếu", hiện đang trong quá trình bán lại cho 1 DN khác. Cũng theo Hiệp hội Thép, hầu hết các DN thép hiện nay đang sản xuất cầm chừng, do tiêu thụ giảm mạnh. Nhiều DN chỉ hoạt động chừng 50% công suất mà hàng tồn kho vẫn cao.

Những khó khăn mà các DN thép đang gặp phải là chi phí vốn quá cao, giá các vật tư nhiên liệu đầu vào tăng ở mức hai con số, giá than, giá xăng dầu, giá điện đều tăng vài chục phần trăm. Kể từ đầu năm giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép như quặng sắt, than cốc, phôi thép và thép phế tăng hơn năm 2010 từ 20 - 30%.

Trong khi đó, do tình hình lạm phát trong nước tăng cao, Chính phủ vẫn phải áp dụng nhiều biện pháp để kiềm chế, trong đó có việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết làm cho thị trường bất động sản năm 2011 đã thực sự rơi vào tình trạng đóng băng.

Điều này đã tác động, làm cho tiêu thụ thép giảm và lượng thép tồn kho tăng cao, hiện vào khoảng 500.000 tấn, trong khi bình quân lượng tồn kho ở mức cho phép khoảng một nửa số đó. Đây là số lượng thép tồn lớn hơn mức bình thường. Theo tính toán của Hiệp hội Thép, mức lãi mà các DN phải trả đối với lượng hàng tồn kho này gần 150 tỷ đồng/tháng.

Một lý do nữa khiến lượng thép tiêu thụ của các DN sụt giảm mạnh là tình trạng đầu tư tràn lan, không theo quy hoạch đã dẫn đến cung vượt cầu trong ngành thép.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến nay, cả nước có 65 dự án thép có công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên, trong đó có 58 dự án trong nước và 7 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư là 41.623 tỉ đồng và 19.878 triệu USD. Điều đáng nói là trong số các dự án kể trên, có tới 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tập trung ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương...

Trong số này có hơn 20 dự án là địa phương cấp sai thẩm quyền, nghĩa là đáng lẽ trước khi cấp phép, địa phương cần phải xin ý kiến bộ chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường... và báo cáo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Nhưng địa phương cứ làm theo nguyên tắc dự án nào dưới 1.500 tỉ đồng là tự quyết định mà không hỏi ý kiến Trung ương.

Tính đến nay có 30 tỉnh, thành trên cả nước có dự án sản xuất gang thép. Nếu so với nhu cầu trong quy hoạch ngành thép, dự kiến đến 2015, cả nước cần khoảng 15 triệu tấn thép và năm 2020 là 20 triệu tấn thép, thì tổng công suất thiết kế của các dự án lên tới 26 triệu tấn/năm, đấy là chưa kể dự án 5 triệu tấn của tập đoàn Tata (Ấn Độ) liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam tại Hà tĩnh và dự án thép tấm cán nóng Bà Rịa - Vũng Tàu (Tông công ty Thép Việt Nam mua lại của Tập đoàn Essar) 2 triệu tấn/năm, nằm trong quy hoạch nhưng đang gặp khó khăn.

Thống kê cho thấy, có tới gần 30% doanh nghiệp ngành thép đang sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng hơn 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình, còn lại một số ít doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Khó khăn lớn hiện nay thuộc về những DN địa phương có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, sản phẩm chất lượng kém và mới đi vào hoạt động. Những DN này đứng trước nguy cơ phá sản cao.

Theo khảo sát, đa phần các dự án sản xuất thép, phôi thép, gang... tại các địa phương đều có vốn đầu tư trên dưới 1.000 tỉ đồng. Phần lớn các dự án này đều sử dụng nguồn vốn vay rất lớn để xây dựng và vốn lưu động của các doanh nghiệp cũng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào vốn vay.

Tăng trưởng cao không còn đã khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thép thành phẩm tồn kho lớn, lãi vay ngân hàng lớn, trong khi giá bán thấp hơn giá thành, đang đẩy nhiều DN thép đến bờ vực của sự phá sản. Chỉ tính riêng tại Hải Phòng, tổng số nợ cả ngắn hạn và dài hạn của các DN thép với các tổ chức tín dụng hiện khoảng trên dưới 4.000 tỉ đồng, trong đó, có rất nhiều nợ xấu. Đây chính là sự trả giá lớn cho sự đầu tư bừa bãi.

Đào thải nhà máy lạc hậu

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, khủng hoảng hiện nay khiến các DN thép lâm vào tình trạng khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để sàng lọc, buộc ngành thép phải cấu trúc lại. Những DN không đủ khả năng phải bị loại ra khỏi ngành thép. Những nhà máy lạc hậu, quy mô nhỏ sẽ bị đào thải, hoặc các DN sẽ phải liên kết với nhau, tạo dựng thành những thương hiệu mạnh, chuyển hướng đầu tư sản xuất các chủng loại thép trong nước chưa sản xuất được.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thép dư thừa sang các nước trong khu vực và thế giới. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích xuất khẩu thép như giảm thuế VAT cho sản phẩm thép xuất khẩu, ưu đãi thuế xuất khẩu, hỗ trợ cho DN thép để có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường xuất khẩu thép thế giới (bằng các chương trình xúc tiến thương mại).

Việc đẩy mạnh xuất khẩu thép sẽ giúp cho ngành thép giải quyết lượng thép dư thừa, DN có thêm nguồn ngoại tệ để nhập nguyên liệu và sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được và giảm nhập siêu của Nhà nước. Trước đây, các DN chỉ có thể xuất thép sang Lào, Myanmar... nhưng nay đã có thể đưa vào các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Đông, EU... Điều này chứng tỏ ngành thép có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới nếu có sự đầu tư đúng hướng cùng những chính sách tạo điều kiện phù hợp với cam kết gia nhập WTO.

Cùng với đó, việc chấn chỉnh quy hoạch ngành thép, đặc biệt là các dự án được các địa phương cấp phép. Kiên quyết thu hồi giấy phép các dự án không có trong quy hoạch và không thực hiện các thủ tục quy định đầu tư mà Chính phủ ban hành. Đặc biệt là các dự án sản xuất thép xây dựng, ống thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và tôn phủ màu do đã quá thừa trong ít nhất 5 năm tới. Tôn trọng các quy định mà Bộ Công Thương đã ban hành về quy mô công suất đầu tư và các điều kiện để dự án thép phát triển bền vững.

Khi chính sách bảo hộ chấm dứt đối với sản xuất thép vào năm 2017, cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt. Việc của ngành thép là phải tự cứu mình bằng cách tập trung đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện công tác quản lý, chuyển hướng đầu tư bền vững, sản xuất sản phẩm có sự ổn định để phát huy năng lực của mình, phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập.

Nguồn tin: VEF.VN

ĐỌC THÊM