Năm 2015 được dự đoán là năm cạnh tranh gay gắt của ngành thép bởi thép nhập khẩu từ một số nước vào Việt Nam được giảm thuế rất nhiều. Do đó, hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp thép đều đang tập trung hướng mạnh vào thị trường nội địa.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng tiêu thụ thép năm nay của Việt Nam
chỉ xấp xỉ 6 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. Nguồn: internet
Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm 2015, tình hình tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do giá các nguyên liệu đầu vào như phôi thép, thép phế, quặng sắt tiếp tục giảm, cùng với giá xăng dầu liên tục giảm gây tâm lý chờ đợi của khách hàng.
Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường chưa có sự tăng trưởng mạnh do không phải mùa cao điểm về xây dựng và các đơn vị thương mại hạn chế mua vào để tập trung cho công tác thu hồi công nợ; nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá bán để đẩy nhanh lượng hàng tồn kho giá cao ra thị trường và giữ thị phần.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng tiêu thụ thép năm nay của Việt Nam chỉ xấp xỉ 6 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ; mức tăng trưởng đạt từ 4 - 5%, tuy nhiên mức tăng chủ yếu do đẩy mạnh xuất khẩu từ các mặt hàng như tôn mạ màu, mạ kẽm, thép ống các loại… Điều đáng nói, công suất thép xây dựng của các nhà máy trên cả nước hiện lên đến 11 triệu tấn, vượt gần gấp đôi nhu cầu và đang tạo sức ép cạnh tranh vô cùng lớn với các doanh nghiệp trong ngành.
Để ngành thép trong nước phát triển ổn định thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong việc mở cửa cho các doanh nghiệp có vốn tư nhân đấu thầu cạnh tranh các công trình có vốn nhà nước. Đồng thời, Việt Nam cần học hỏi các nước trong việc chống gian lận thương mại, chống các sản phẩm thép nhập khẩu kém chất lượng./.
Nguồn tin: Tài chính