Trong năm 2015, tôn, thép là 2 trong số những mặt hàng rơi vào danh sách bị kiện bán phá giá nhiều nhất. Các vụ kiện kéo dài không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế mà còn khiến các doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ mất thị trường, giảm xuất khẩu ra thế giới.
Thép liên tiếp bị kiện
Năm qua vẫn là một năm còn nhiều khó khăn đối với ngành thép. Các doanh nghiệp trong ngành không chỉ chịu áp lực cạnh tranh lớn khi phải chống đỡ với hàng nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc tràn vào mà còn liên tục đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến bán phá giá.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, các sản phẩm thép của Việt Nam liên tiếp phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện bán phá giá từ nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Trong năm 2015, ngành thép Việt Nam liên tục đối mặt nhiều vụ kiện bán phá giá ở nước ngoài
Sản phẩm bị khởi kiện bán phá giá đầu tiên trong năm 2015 là thép không gỉ cuộn nguội. Ngày 28/4, Malaysia đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cuộn nguội nhập khẩu từ Việt Nam cùng 9 quốc gia khác. Biên độ phá giá bị cáo buộc là 27%.
Tiếp đó, cuối tháng 8 Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia cũng đã thông báo điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nguội của Việt Nam theo đơn kiện của công ty CSC Steel Sdn. Công ty này cho rằng thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác đang được bán vào Malaysia với giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại chính các nước này, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa của Malaysia.
Sau Malaysia, Thái Lan cũng là nước phát đi thông báo quyết định điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép không gỉ nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam, vào ngày 17/9. Nguyên đơn trong việc điều tra chống bán phá giá đối với ống thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam là Công ty Thailand - German Products và Puerto The Millennium.
Phía Cục Ngoại Thương (DFT), Bộ Thương mại Thái Lan cho rằng, sau khi xem xét đơn kiện của các bên nguyên đơn, DFT sơ bộ thấy có dấu hiệu hàng hóa bị bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa nước này đối với sản phẩm nói trên.
Trong khi thông tin ngành thép trong nước liên tục bị các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia khởi kiện chưa lắng xuống thì cuối tháng 11, Hoa Kỳ lại thông báo điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon của 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý là biên độ phá giá cáo buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam cao nhất, ở mức 113,18%. Đây là vụ kiện thứ 2 của Mỹ đối với ống thép cuộn cacbon và là lần thứ 6 các sản phẩm thép nói chung của Việt Nam bị kiện trong năm 2015.
Tôn vất vả chống đỡ
Sau thép, các sản phẩm tôn của Việt Nam cũng điêu đứng vì bị kiện bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu nước ngoài. Gần đây nhất, phải kể đến vụ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn lạnh và tôn phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam do các nguyên đơn đến từ Thái Lan khởi xướng.
Cụ thể, tháng 9/2015, Cục Ngoại thương (DFT) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã đăng công báo quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn lạnh và tôn phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên đơn là Công ty NS Bluescope. Biên độ phá giá bị cáo buộc của 2 mặt hàng này lần lượt là 86,04% và 89,58%. Trong thông báo, DFT cho rằng sau khi xem xét hồ sơ, sơ bộ thấy có dấu hiệu hàng hóa bị bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa của Thái Lan đối với sản phẩm nói trên.
Trước đó, ngoài bị kiện ở thị trường Thái Lan, sản phẩm tôn phủ màu của Việt Nam, Trung Quốc cũng bị Malaysia khởi xướng điều tra vào ngày 28/4, theo yêu cầu của phía nguyên đơn là Công ty FIW Steel Sdn. Bhd. Cáo buộc của phía nguyên đơn cho rằng, sản phẩm tôn phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc có biên độ phá giá lên tới 13,68%, gây thiệt hại đáng kể đến ngành công nghiệp của Malaysia.
Đến cuối tháng 9, phía Malaysia sau đó cũng đã đưa ra thông báo mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với mặt hàng tôn phủ màu của các nhà xuất khẩu Việt Nam ở mức từ 5,68% -16,45%, áp dụng từ ngày 26/9/2015 - 23/1/2016.
Tỷ lệ thắng kiện ít
Thời gian qua, các mặt hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu nói chung và tôn, thép nói riêng phải đối mặt với nhiều vụ kiện bán phá giá từ nhiều nước trên thế giới.
Trong các vụ kiện này, cũng có một số trường hợp kết quả điều tra cuối cùng có lợi cho Việt Nam khi các cáo buộc bị vô hiệu. Đơn cử, ngày 30/7 Ủy ban chống bán phá giá Australia đã ra phán quyết chấm dứt vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm tôn mạ kẽm của Việt Nam vì cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam không bán phá giá hoặc lượng phá giá không đáng kể để gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa của nước này.
Đây được xem là một thành công lớn đối với sản phẩm tôn mạ kẽm và ngành thép Việt. Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ kiện kết thúc có lợi như trường hợp này lại rất hiếm. Trong năm 2015, chỉ duy nhất trường hợp này là kết thúc như mong đợi. Còn lại, hầu hết, ở các vụ kiện khác cuối cùng đều buộc phải áp thuế bán phá giá.
Theo Cục quản lý cạnh tranh, thời gian qua, thép là sản phẩm bị điều tra chống phá giá nhiều nhất, chiếm tới 29% tổng số vụ. Một trong những nguyên nhân chính là do nhóm hàng này phong phú về chủng loại sản phẩm.
Mặt khác, thép là mặt hàng có tầm quan trọng đối với nền kinh tế nên hầu hết các đối tượng bị điều tra đều là các sản phẩm xây dựng, có giá trị lớn. Do đó, khi vướng vào kiện cáo, doanh nghiệp thường mất thời gian giải quyết vụ việc, sản xuất trì trệ gây thiệt hại kinh tế và có nguy cơ mất luôn thị trường xuất khẩu.
Nguồn tin: CafeLand