Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8%, nhập khẩu tăng 3,7%.
Việt Nam đã chuyển vị thế từ nhập siêu trong cùng kỳ năm trước (2,99 tỷ USD) sang xuất siêu trong kỳ này (2,98 tỷ USD). Xuất khẩu của cả nước đạt mốc 175 tỷ USD, nhập khẩu đạt 172 tỷ USD và xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, ngược với mức nhập siêu 3,55 tỷ USD của năm trước.
Theo khu vực, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đã chuyển từ giảm (3,1%) sang tăng 4,7%; nhập khẩu tăng 4%; nhập siêu lớn và tăng nhẹ về kim ngạch tuyệt đối (2,4%), nhưng đã giảm về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (từ 42,5% xuống còn 41,6%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất khẩu tăng 9,1% và chiếm 71,6% tổng số, cao hơn tỷ lệ 70,8% của cùng kỳ; nhập khẩu tăng 3,5% - thấp hơn tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu và thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực này; xuất siêu của khu vực này tăng cả về quy mô tuyệt đối (21,83 tỷ USD so với 15,41 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu so với xuất khẩu (19,1% so với 14,7%).
Theo mặt hàng, sau 11 tháng đã có 23 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (điện thoại 31,6 tỷ USD, dệt may 21,56 tỷ USD, máy vi tính 16,68 tỷ USD…). Theo địa bàn, có 23 tỉnh/TP đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (TP Hồ Chí Minh 28,58 tỷ USD, Bắc Ninh 20,46 tỷ USD, Thái Nguyên 17,93 tỷ USD, Bình Dương 17,34 tỷ USD, Đồng Nai 13,76 tỷ USD, Hà Nội 9,71 tỷ USD, Hải Phòng 5,41 tỷ USD…). Khả năng cả năm sẽ có thêm Cà Mau, Đắk Lắk, Nam Định. Theo thị trường, có 28 thị trường đạt trên 1 tỷ USD (Mỹ 34,84 tỷ USD, Trung Quốc 19,6 tỷ USD, Nhật Bản 13,28 tỷ USD, Hàn Quốc 10,41 tỷ USD…).
Từ những số liệu thống kê ước cả năm 2016, với những yếu tố tác động, cần cảnh báo khả năng năm 2017 sẽ khó đạt được tốc độ tăng tổng xuất khẩu cũng như vị thế có thể đảo ngược từ xuất siêu sang nhập siêu.
Nguồn tin: KT&ĐT