Rào cản với mậu dịch tự do đang gia tăng, nếu doanh nghiệp không có biện pháp phòng tránh, nguy cơ sẽ mất trắng thị trường xuất khẩu có thể xảy ra...
Khi hàng rào thuế quan giảm xuống thì xu thế các nước gia tăng bảo hộ đối với ngành sản xuất nội địa, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng trở nên nóng...
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, tính từ trước 2005 và sau 2005 đến nay, Việt Nam bị điều tra khoảng 130 vụ. Trong đó, với chống bán phá giá 77 vụ chiếm 70%; lẩn tránh thuế chống bán phá giá là 17 vụ; chống trợ cấp 10 vụ; tự vệ 22 vụ.
Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra nhiều là: Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU, Úc... Nếu tính theo sản phẩm, thép (thép cuộn nguội, cán nóng...) bị điều tra nhiều nhất tới 30 vụ.
5 xu hướng kiện phòng vệ thương mại
Chưa bao giờ thế giới lại dựng lên những rào cản với mậu dịch tự do nhiều như hiện nay, tương lai các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được thực thi nhiều hơn nữa. Bà Trần Lan Hương, Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại đã chỉ rõ 5 xu hướng các vụ kiện phòng vệ thương mại đang và sẽ được áp dụng.
Trước hết, kiện chùm hiện đang diễn ra khá phổ biến. Đơn kiện đồng thời của nhiều nước và hàng hoá bị điều tra thường bị gắn với hàng hoá của một số nước khác có kim ngạch xuất khẩu lớn hơn.
Xu hướng thứ hai là kiện chống lẩn tránh thuế. Tất cả các vụ kiện chống lẩn tránh thuế của Việt Nam đều do cáo buộc có lẩn tránh thuế từ Trung Quốc. Nên khi bị áp thuế với Trung Quốc thì các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ là có thể bị cạnh tranh với mặt hàng đó tại thị trường mà họ đã áp thuế với Trung Quốc.
Bà Hương cho biết, theo dõi của cục cho thấy, cứ vụ việc đã xảy ra với Trung Quốc thì sớm hay muộn (1-2 năm sau) cũng sẽ xảy ra với Việt Nam dưới một dạng nào đó hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá với Việt Nam.
Xu hướng thứ ba là kiện domino, nghĩa là nước này kiện được thì nước khác cũng theo đó đi kiện. Đồng nghĩa với việc, chúng ta bị kiện ở một thị trường rồi thì không có nghĩa là sẽ thoát kiện ở thị trường khác.
Nhiều doanh nghiệp có tâm lý, một sản phẩm của họ xuất khẩu sang nhiều thị trường, chỉ có Hoa Kỳ điều tra sản phẩm của họ và áp thuế, do đó doanh nghiệp bỏ thị trường Hoa Kỳ.
Nhưng nếu bỏ thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp có lường trước và dám chắc chắn 100% những thị trường còn lại có khởi kiện sản phẩm của doanh nghiệp hay không? Nếu các thị trường còn lại cũng đồng loạt khởi kiện thì doanh nghiệp hoàn toàn mất thị trường.
Xu hướng thứ tư là kiện kép - kiện đồng thời chống bán giá và chống trợ cấp cũng đang được áp dụng nhiều. Biện pháp này thường xảy ra ở các nước lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada.
Ngoài ra, theo bà Hương, có một xu hướng đáng lo ngại đó là điều tra áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.
Như ngày 16/2 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xem xét áp dụng biện pháp hạn chế thép và nhôm vào nước này. DOC đã ban hành công khai báo cáo đệ trình Tổng thống xem xét, quyết định biện pháp áp dụng nhằm hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962.
Mục 232 quy định về việc Tổng thống Mỹ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.
Đừng "thả con săn sắt, bắt con cá rô"
Ông Phan Khánh An, Phòng Pháp chế - Cục Phòng vệ thương mại nhận định, chỉ cần bị một vụ kiện doanh nghiệp có thể mất trắng thị trường. Đơn cử, Hoa Kỳ áp thuế với sản phẩm đinh thép năm 2014: giá trị xuất khẩu giảm từ 36 triệu USD xuống còn 800 nghìn USD (năm 2015).
Với thép chịu lực không gỉ bị chịu thuế chống bán phá giá từ Hoa Kỳ năm 2013, giá trị xuất khẩu giảm một nửa từ 178 triệu USD xuống còn 87 triệu USD năm 2014 và 81 triệu USD năm 2015.
Hay với Brazil áp thuế chống bán phá giá với lốp xe đạp Việt Nam năm 2012 nên giá trị xuất khẩu giảm từ 5,7 triệu USD xuống còn 1,9 triệu USD năm 2013 và còn 650 nghìn USD năm 2014, đến 2015 giảm còn 575 nghìn USD...
"Con số này cho thấy, phòng vệ thương mại có thể chặn đứng một sản phẩm vào thị trường đó và có ảnh hưởng khủng khiếp như thế nào với doanh nghiệp", ông An nhận định.
Vì thế, bà Hương khuyến nghị, trước khi vụ việc xảy ra, doanh nghiệp cần chủ động phòng tránh bằng việc đa dạng hoá thị trường, thay vì "bỏ trứng vào một rổ" để giảm nguy cơ thiệt hại.
Với những thị trường họ "tích cực" áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như Hoa Kỳ, Ấn Độ thì doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật của họ, tìm hiểu xem thị trường đó đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với nước nào chưa?
Khi vụ việc xảy ra, doanh nghiệp cần chủ động đương đầu với sóng gió chứ đừng chạy trốn. Nếu bỏ thị trường này thì nguy cơ cũng sẽ mất ở thị trường khác.
Bộ Công Thương khuyến nghị, doanh nghiệp cân nhắc thuê luật sư tư vấn bản địa vì các biện pháp phòng vệ thương mại không hề đơn giản, nó là tổ hợp giữa các vấn đề liên quan tới kinh tế, kế toán, tài chính, luật pháp.
Doanh nghiệp cần hiểu sâu, cách thức của cơ quan điều tra để kháng kiện đúng cách và hiệu quả; chuẩn bị tốt hồ sơ cho vụ kiện.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược, mục tiêu, đừng "thả con săn sắt, bắt con cá rô", chúng ta có thể mất chi phí vụ việc này nhưng chúng ta lại ngăn chặn được nhiều vụ việc ở các thị trường khác.
Đồng thời, doanh nghiệp nên đoàn kết. Khi vụ việc xảy ra rồi thì mức thuế áp không chỉ với riêng một doanh nghiệp nào mà áp với cả thị trường Việt Nam, nên doanh nghiệp cần ngồi chung một thuyền để đi xa hơn hơn việc mạnh ai người nấy chạy.
Nguồn tin: VnEconomy