Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nan giải bài toán lãi suất

Ngày 1/12, sau hai cuộc họp với thành viên hai miền, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) gửi đi thông điệp giữ nguyên mặt bằng lãi suất huy động 12%/năm, tôn trọng sự khuyến mại của các tổ chức tín dụng.

Hành động của VNBA là rất cần thiết, nhưng giải bài toán lãi suất lại không chỉ có tổ chức này và Ngân hàng Nhà nước là đủ.

Lạm phát cao thì tăng lãi suất

Ba tuần nay, lãi suất hai chiều tiếp tục cao ngất ngưởng. Mức huy động 13% - 13,5%/năm và cho vay 18% - 19% không còn cá biệt, thậm chí có ngân hàng còn đặt lãi suất cho vay tới 1,8%/tháng.

Trước tình hình này, ngày 26/11, VNBA đã họp với các thành viên phía Bắc và sau khi làm việc với các thành viên phía Nam, ngày 1/12, tổ chức này cho biết, các hội viên nhất trí giữ nguyên lãi suất huy động ở 12%/năm, đây là mức đồng thuận từ 5/11/2010.

Đồng thời, VNBA tôn trọng các hội viên thực hiện khuyến mại, cộng thưởng, nhưng không vượt quá quy định của luật về khuyến mại.

Một chuyên gia ngân hàng của VNBA cho biết thêm, nếu giữ được mặt bằng lãi suất huy động hiện có thì các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tất nhiên, nhóm 3 đối tượng (doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay xuất khẩu và khu vực nông thôn) vẫn được ưu tiên vay với mức lãi suất thấp hơn, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước phải đi đầu trong vấn đề này.

Quan sát diễn biến lãi suất trên thị trường, thấy nổi lên hai vấn đề: nếu như thị trường 1 nóng lên thì thị trường 2 lại bình lặng. Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích: “Đừng quên một nguyên tắc, nhiệm vụ của ngân hàng trung ương là ổn định thị trường 2, còn thị trường 1 là do cung, cầu thị trường”.

Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh lạm phát cao (CPI 11 tháng năm nay tăng 8,96% so với cùng kỳ) thì biện pháp cơ bản nhất vẫn là tăng lãi suất. Trước hết, tăng lãi suất sẽ góp phần làm cho VND tăng giá và tỷ giá ổn định hơn. Đồng thời, khi tăng lãi suất, sẽ làm giảm đầu tư và tiêu dùng, tăng tiết kiệm, từ đó, lạm phát giảm nhiệt dần.

Đã đành trong bất luận trường hợp nào, lạm phát đều có nguyên nhân tiền tệ nhưng ở Việt Nam hiện nay, lạm phát còn gắn với một số yếu tố thiên tai, dịch bệnh, làm cho cung hàng nông phẩm giảm. Cùng đó, dân chúng khi thấy ngoại tệ và vàng có xu hướng tăng giá, một phần tiết kiệm của họ lại để dành dưới dạng mua ngoại tệ, mua vàng làm cho tiền gửi của dân chúng tăng không đồng đều như thời kỳ ổn định.

Chưa kể, giữa vàng và ngoại tệ có mối quan hệ khá chặt chẽ với sự tăng giá thông qua quan hệ nhập khẩu - xuất khẩu. Bởi lẽ, khi tỷ giá tăng hoặc kỳ vọng tăng sẽ kéo theo chi phí hàng nhập khẩu tăng, kể cả nguyên liệu, vật tư hay hàng tiêu dùng, từ đó đẩy giá cả tăng theo.

Nhìn toàn cục

Như vậy, có vẻ như ở thời điểm này, nỗi lo thanh khoản hệ thống ngân hàng tạm yên ổn, còn lãi suất cho vay cao là chuyện của thị trường. Dù vậy, nhìn từ góc độ rủi ro, trưởng phòng quản lý rủi ro một ngân hàng thương mại nhà nước cho rằng, những ngân hàng nào nếu để lãi suất hai chiều quá cao sẽ phải đổi mặt với hai loại rủi ro: kỳ hạn và hối đoái.

Thứ nhất, theo ông này, phổ biến trên thị trường hiện nay là tiền gửi kỳ hạn ngắn, kể cả kỳ hạn dài cũng được “mông má” lại thành kỳ hạn ngắn. Ví dụ, hai bên có thể mặc cả với nhau: “Cứ gửi theo tuần hay tháng nhưng trong hợp đồng ghi là gửi trung - dài hạn và muốn rút lúc nào, cứ…tự nhiên!”.

Thực tế lạ lùng này cho thấy một thứ thỏa thuận cực kỳ nguy hiểm rằng: lãi suất kỳ hạn ngắn và trung dài hạn lại bằng nhau; tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn có thể hoán đổi cho nhau một cách thật dễ dàng.

Nhưng ngược lại, ngân hàng thương mại cho vay thì không thể đòi tiền khách hàng bất cứ lúc nào. Chưa kể, trên bảng cân đối tài chính, các tài khoản “Nợ” và “Có” tất nhiên phải làm “điêu” và như vậy, rất khó để biết được “sức khỏe” của mỗi ngân hàng như thế nào.

Thứ hai là rủi ro hối đoái. Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu không phải ít. Những đối tượng này ngoài việc đối mặt với rủi ro lãi suất (ngoại tệ) do lãi suất tăng lên thì họ còn phải chịu rủi ro hối đoái rất lớn khi tỷ giá tăng. Và khi người vay khó khăn hoặc chây ỳ trả nợ sẽ dẫn tới nợ xấu cho ngân hàng.

Trở lại một chút với câu chuyện lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước, một số chuyên gia quốc tế cho rằng, ngân hàng trung ương Việt Nam nên tăng lãi suất OMO, chiết khấu, tái cấp vốn lên cao hơn nữa, thậm chí ở mức 12%/năm để vừa đánh đi thông điệp thắt chặt tiền tệ nhưng cũng tránh hiện tượng một số ngân hàng thương mại lớn, nhất là những ngân hàng thương mại nhà nước sử dụng lãi suất tái cấp vốn của ngân hàng Trung ương để đầu cơ.

Ví dụ, họ vay ngân hàng trung ương lãi suất thấp, mua trái phiếu Chính phủ lãi suất cao hơn, biến tiền của ngân hàng trung ương thành tiền ngân sách mà không cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp.

Đến đây, cũng nên liên hệ một chút với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Thực tế, hầu hết các ngân hàng thương mại châu Âu đều được vay các ngân hàng Trung ương một lượng tiền khá lớn với lãi suất 1%. Sau đó, họ mua trái phiếu chính phủ những nước đang gặp khó khăn tài chính với mức lãi suất 4% - 4,5% để kiếm lời trên thị trường thứ cấp mà không cung ứng vốn cho nền kinh tế như Chính phủ các nước họ.

Mặc dù, ngân hàng trung ương các nước đó khi cung vốn với giá thấp chỉ hy vọng ngân hàng thương mại sẽ cho vay thấp nhưng kết quả không như vậy. Cộng với yếu tố một số hãng đánh giá tín nhiệm nước ngoài công bố chỉ số tín nhiệm Hy Lạp, Ireland, Ý, Tây Ban Nha…luôn ở mức thấp.

Chỉ số tín nhiệm trên càng thấp thì lãi suất trái phiếu chính phủ nước họ càng cao và các ngân hàng thương mại tưởng rằng có hiệu quả với khoản đầu tư của mình nhưng thực tế đã mang về những khoản nợ đầy rủi ro.

Tất nhiên, so sánh việc các ngân hàng thương mại Việt Nam mua trái phiếu Chính phủ Việt Nam với các ngân hàng thương mại châu Âu rồi nói rằng có những nủi ro tương tự là hơi khập khiễng nhưng ở đây có một nét chung cần lưu ý là hành vi này đều giống nhau ở chỗ là vay tái cấp vốn hoặc giao dịch OMO để thụ hưởng lợi chênh lệch lãi suất, chứ chưa đạt được mục tiêu cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Bởi vậy, ông Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước giải quyết được ổn định thanh khoản là cái gốc của vấn đề nhưng từ đó để đi đến hệ quả giảm chi phí vốn cho nền kinh tế lại là vấn đề khác.

Và lời giải cho bài toán này phải đi từ những giải pháp tổng thể, bao gồm kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá cũng như cung cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp nhịp nhàng của Bộ Tài chính trong vấn đề phát hành trái phiếu Chính phủ.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM