Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nên để thị trường điều tiết mặt hàng thép

Nhằm bình ổn thị trường thép trong nước, góp phần kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11/CP, Bộ Công Thương đang trưng cầu ý kiến DN về dự thảo Quyết định "dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu", trong đó có thép và phôi thép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Dự thảo đang gặp phải sự phản đối từ nhiều DN thép trong nước.

 

Trao đổi với PV Báo KT&ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thép VN (VSA) - Nguyễn Tiến Nghi (ảnh trên) cho rằng, Quyết định này nếu ban hành sẽ hoàn toàn không "khớp" với quy luật thị trường, đi ngược lại lợi ích của cả Nhà nước, DN và người tiêu dùng. 


- Đâu là cơ sở để ông đưa ra nhận định như vậy?


Với tư cách tổ chức đại diện cho cộng đồng DN SXKD thép, VSA đưa ra ý kiến này hoàn toàn khách quan dựa vào 4 lý do chính.


Thứ nhất, đến thời điểm này, tổng công suất sản xuất thép xây dựng của cả nước đạt gần 9 triệu tấn/năm, trong khi tổng bán hàng thép năm ngoái mới đạt 6,3 triệu tấn. Tiêu thụ thép 5 năm gần đây chỉ chiếm 50 - 60% tổng công suất của các DN. Trên thị trường chưa bao giờ thiếu thép xây dựng kể cả khi giá cả thép biến động mạnh, bởi sự biến động này chủ yếu do giá nguyên liệu thay đổi. Cái gì đang thừa chẳng có lý gì lại đi dự trữ. 


Thứ hai, các đơn vị nhập khẩu (NK) thép còn kinh doanh nhiều mặt hàng khác mà Nhà nước không cấm, căn cứ theo nhu cầu thị trường và chỉ mua bán khi thấy có lợi; cũng tương tự đối với DN NK phôi và sản xuất phôi. Hàng tháng các DN sản xuất thép xây dựng đều dự trữ 500.000 tấn phôi thép, 300.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, chưa kể phôi và sản phẩm tồn ở các công ty thương mại. Như vậy, lượng phôi và sản phẩm tồn cao hơn nhiều so với mức quy định dự trữ trong dự thảo. 


Thứ ba, dự thảo quy định giá bán hàng dự trữ của DN thấp hơn giá thị trường 10% cũng không thực tế. Nhớ lại mấy năm trước khi giá thép biến động mạnh, Nhà nước chỉ đạo DNNN giữ giá bán thấp hơn thị trường 1 - 2 triệu đồng/tấn nhưng thực ra người tiêu dùng không được hưởng giá rẻ bởi sản phẩm để đến tay họ phải qua rất nhiều trung gian, như vậy chỉ có DN phân phối trung gian được hưởng lợi, còn Nhà nước vẫn không thu được thuế, DN sản xuất và cả người tiêu dùng đều chịu thiệt. 


Thứ tư, tuy dự thảo yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất vay cho DN, nếu DN đầu tư kho bãi thì được ưu đãi thuế đất... song thực chất điều này sẽ hình thành cơ chế xin cho phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực. 


- Ông đánh giá thế nào về tính cạnh tranh trên thị trường thép trong nước hiện nay?


Toàn Hiệp hội Thép VN có 21 DN sản xuất phôi, 31 DN sản xuất cán thép xây dựng, cạnh tranh với nhau rất khốc liệt. Ngoài ra, họ còn phải cạnh tranh với giá thép ASEAN và Trung Quốc NK vào VN, nên không thể có độc quyền trong lưu thông và độc quyền về giá bán thép. Hiện giá bán ở các DN đều khác nhau tùy vào thương hiệu, công nghệ và hằng tháng đều công khai báo cáo cho VSA.

 Ảnh minh họa

 

Công suất của các nhà máy sản xuất thép trong nước thực tế đã vượt xa so với nhu cầu thị trường. Ảnh: Ninh Giang

Tôi cũng muốn nhấn mạnh, mỗi khi giá thép biến động, các bộ, ngành chức năng đều đến DN kiểm tra nhưng chưa hề phát hiện tình trạng đầu cơ tích trữ thép để trục lợi. Rõ ràng, khi đã vận hành theo cơ chế thị trường, sẽ có lúc thị trường cần nhiều hàng, DN bán sạch kho, có lúc phải bán ngay vì được giá, có lúc lại ứ nhiều hàng... Cũng có khi DN thấy mặt hàng kinh doanh không hiệu quả sẽ không nhập về nữa. Điều đó hoàn toàn tự nhiên. DN không có lý gì giữ lại 5 hay 10% hàng, bởi lúc bị lỗ vì giá xuống thì ai chịu cho? 


- Vậy, Hiệp hội có kiến nghị gì với các bộ ngành chức năng?


Với những lý do trên, tôi cho rằng Nhà nước nên để thị trường tự điều tiết mặt hàng thép. Trong công văn mới đây gửi Bộ Công thương, VSA đã đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng những biện pháp hữu hiệu bình ổn thị trường, tránh những quy định hành chính với DN thép, bởi sản xuất thép xây dựng ở VN hoàn toàn đảm bảo nhu cầu và đang vận hành theo cơ chế thị trường, phải cạnh tranh gay gắt không chỉ trong nước mà cả với DN nước ngoài. 


Theo dự thảo Quyết định, mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa dự kiến là 10% lượng thép và 5% lượng phôi thép mà thương nhân NK năm trước (đối với thương nhân NK); 3% lượng phôi thép đã sản xuất năm trước (với nhà sản xuất phôi thép). Nếu DN sản xuất đồng thời là nhà NK, căn cứ vào thị phần lớn hơn để áp dụng. Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ phải thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10% (giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán). 


Bộ Công Thương lý giải, quy định dự trữ lưu thông bắt buộc với thép và phôi thép là cần thiết bởi phôi thép là nguyên liệu đầu vào chiếm 80% giá thành sản xuất thép, trong khi phôi sản xuất trong nước mới đáp ứng 60% nhu cầu, và giá thép nội địa chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động giá phôi thế giới.

Nguồn tin: KTĐT

ĐỌC THÊM