Tập đoàn Business Monitor International (BMI), trụ sở tại Luân Đôn (Anh) vừa công bố "Báo cáo quý III/2009 về Việt Nam và triển vọng Việt Nam tới năm 2018".
Báo cáo đưa ra đánh giá toàn diện về tình hình chính trị, kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam và dự báo triển vọng Việt Nam tới năm 2018, như sau:
Việt Nam nổi lên là một trong những nền kinh tế triển vọng nhất châu Á, nếu không muốn nói là của cả thế giới, chủ yếu là nhờ Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện các chính sách mở cửa thị trường từ năm 1986.
Sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước bao gồm: Lực lượng dân số trẻ hăng say làm việc nhằm thay đổi số phận và tiếp xúc với thế giới bên ngoài sau nhiều thập kỷ sự tuyên truyền về lý tưởng không mang lại hiệu quả. Trong những năm gần đây, Việt Nam đang tận hưởng luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực chế tạo còn non trẻ, nhờ việc gia nhập WTO năm 2007 và nhờ chi phí lao động thấp. Đặc biệt, nước này trở thành một địa chỉ hấp dẫn cho các nhà sản xuất hàng may mặc và điện tử. Lo ngại trước chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc, cũng như nguy cơ quá phụ thuộc vào các dây chuyền cung cấp của nước này, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã đi đầu làn sóng FDI đổ vào Việt Nam.
Dự đoán luồng FDI mạnh tiếp tục đổ vào lĩnh vực chế tạo vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 10 năm tới. Và, Việt Nam sẽ tiến bước trên bậc thang giá trị gia tăng nhờ lợi thế ngày càng rõ rệt đối với các hãng sản xuất nước ngoài. Điều này đã thể hiện ở lĩnh vực chế tạo điện tử tiêu dùng có tỷ trọng xuất khẩu tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 1/2007 đến 6/2008. Các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng Đài Loan đang chuyển dần hoạt động sản xuất sang Việt Nam, nhờ đó sản xuất điện tử đã nổi lên là một thành phần chủ chốt bên cạnh lĩnh vực dệt may của nước này. Mặc dù sẽ chịu những tác động nặng nề trong năm 2009 và 2010 do nhu cầu thế giới sụt giảm, song ngành chế tạo của Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng khi nền kinh tế thế giới hồi phục. Chế tạo phát triển sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu trong 10 năm tới, dù với tốc độ thấp hơn so với giai đoạn 2003 - 2007. Tăng trưởng xuất khẩu sẽ ổn định khoảng 12%/năm trong giai đoạn 2013 - 2028, nhờ xuất khẩu các mặt hàng chế tạo tăng mạnh sẽ bù đắp cho xuất khẩu hàng hóa. Tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng như dầu thô hay nông sản sẽ bị thu hẹp do dự trữ dầu thô cạn dần và sản xuất gạo và cà phê không thể mở rộng.
Sau năm 2010, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam sẽ yếu dần do đầu tư hạ tầng không còn mạnh như trước và nước này tìm cách sử dụng nguồn thép và các mặt hàng khác tự sản xuất nội địa. Hơn nữa, hàng tiêu dùng sẽ chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn trong nhập khẩu, và điều sống còn là Việt Nam phải chứng minh được khả năng tự sản xuất với chi phí thấp các mặt hàng ô tô, điện thoại di động và các mặt hàng tiêu dùng đòi hỏi nhiều vốn đầu tư khác, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng ở trong nước. Tăng trưởng nhập khẩu hàng năm sẽ giảm còn khoảng 10% kể từ năm 2010, thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và việc này sẽ tác động tích cực tới cán cân thương mại. Thâm hụt thương mại dự đoán sẽ giảm từ 17,5% (2008) xuống còn 4,1 tỷ USD năm 2009. Mặc dù mức thâm hụt này sẽ tăng nhẹ trở lại trong giai đoạn 2010 - 2012, song sau đó nó sẽ xẹp dần nhờ xuất khẩu tăng mạnh, và chuyển sang giai đoạn thặng dư khi tiến gần đến mốc 2018.
Trong vòng 10 năm tới, Việt Nam đối mặt với ba nguy cơ lớn là lạm phát, cơ sở hạ tầng yếu kém và giáo dục không theo kịp yêu cầu.
Trước mắt, đồng VND lên giá sẽ đẩy lùi nguy cơ lạm phát, do đó dự đoán lạm phát của Việt Nam sẽ ổn định ở quanh mức 5%/năm kể từ năm 2011. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào khả năng của Chính phủ trong việc giải quyết những trở ngại gây ra bởi cơ sở hạ tầng yếu kém và nguồn cung điện thiếu hụt. Năng lực hạn chế về đường bộ, đường sắt và hải cảng vẫn là một bất lợi thế của Việt Nam trước Trung Quốc trong thu hút FDI và kích thích các ngành hàng xuất khẩu. Ngoài ra, sự bất cập giữa cung và cầu về điện năng đã dẫn đến tình trạng cắt điện liên tục – một mối đe dọa rất lớn tới tăng trưởng và lạm phát. Chính phủ sẽ phải giải quyết những tồn đọng về chính sách năng lượng một cách ráo riết hơn. Hiện đầu tư vào lĩnh vực này vẫn bị ngáng trở bởi chính sách bảo hộ đối với Tổng Công ty Điện lực.
Chính phủ cũng cần tiếp tục những nỗ lực cải cách kinh tế thông qua tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, chuyển quyền sở hữu cho thành phần kinh tế tư nhân, qua đó mới có thể duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 8%. Ngoài ra, Chính phủ còn cần có những nỗ lực đồng bộ cải thiện hệ thống giáo dục ở mọi cấp. Đội ngũ chuyên gia có trình độ cao của Việt Nam ngày càng thiếu hụt, đặt các doanh nghiệp đứng trước sức ép tăng lương và chi phí, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính mà Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Nếu không muốn bị rơi vào cái bẫy “sản xuất trình độ thấp”, Việt Nam cần có nhiều hơn nữa các trường đại học đẳng cấp cao đào tạo sinh viên theo học những chuyên ngành như tài chính, khoa học.
KTĐT