Báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố chiều qua (13/7) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức “dẻo dai” nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng, bao gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo, chế biến.
Ảnh minh họa.
Báo cáo ghi nhận, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vững nhịp khôi phục từ cuối năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 5,7% trong nửa đầu năm 2017. Chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp và lạm phát cơ bản được duy trì dưới 2%. Ngành dịch vụ hiện chiếm hơn 40% GDP tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ vào những kết quả khả quan trong thương mại bán lẻ do tốc độ tăng tiêu dùng trong nước được duy trì và sự sôi động của ngành du lịch. Sản xuất công nghiệp nói chung tiếp tục được cải thiện mặc dù sản lượng khai thác dầu thô đang sụt giảm.
Kinh tế trung hạn có triển vọng tích cực
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp từng bước được phục hồi, tuy chưa thực sự vững chắc. “Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức “dẻo dai” nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng, bao gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo, chế biến. Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập lại những khoảng đệm chính sách”, ông Sebatian Eckardt – Chuyên gia kinh tế trưởng, quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nhận định. Ông Eckardt cũng đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam. Theo đó, GDP năm 2017 được dự báo tăng 6,3%. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng dự kiến được cải thiện lên mức 6,4% trong các năm 2018-2019 cùng với ổn định chung về kinh tế vĩ mô.
Báo cáo cũng lưu ý rằng những bất định gia tăng trên toàn cầu đòi hỏi Việt Nam tiếp tục cẩn trọng hơn nữa trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trong đó, giảm bội chi ngân sách là hết sức cần thiết để kiềm chế những rủi ro ngày càng tăng về bền vững ngân sách và tạo dư địa tài khóa nhằm đối phó với các cú sốc tiềm năng trong tương lai. Với nhận định thách thức lâu dài của Việt Nam vẫn là duy trì bền vững tốc độ tăng trưởng cao và giảm nghèo bền vững, WB khuyến nghị Việt Nam tập trung xóa bỏ những rào cản đối với tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của kinh tế thông qua các cải cách cơ cấu, bao gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện để khu vực tư nhân phát triển…
Những nguy cơ khiến nợ công mất bền vững
Trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm dần thâm hụt ngân sách trong trung hạn, báo cáo của WB kỳ này bao gồm 1 chuyên đề đặc biệt về củng cố tình hình tài khóa của Việt Nam. Báo cáo cho rằng trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa theo hướng mở rộng. Chính sách này giúp nền kinh tế không suy giảm mạnh trong giai đoạn 2009-2011 nhưng cũng dẫn tới bội chi ở mức cao, làm suy yếu các lớp đệm tài khóa, rút ngắn kỳ hạn vay nợ và làm tăng gánh nặng trả nợ cho ngân sách.
Theo báo cáo, bội chi ngân sách nhà nước tăng và kéo dài đã làm nợ công so với GDP tăng đáng kể, từ 51,7% ở năm 2010 lên đến sát trần 65%. Đặc biệt, báo cáo chỉ ra rằng, vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong 5 năm qua, dù có thành tích tăng trưởng ấn tượng. “Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa”, báo cáo cho hay.
WB cũng lưu ý việc dư địa ngân sách đang ngày càng mỏng khiến nợ công của Việt Nam có thể mất bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ. Bên cạnh đó, nếu so sánh với quốc tế, tỉ lệ thu và chi so với GDP của Việt Nam đang ở mức trên trung bình nếu so với các nước trong khu vực và các nước có thu nhập tương đương và tỉ lệ huy động thu trên GDP đang có xu hướng giảm dần.
Trong bối cảnh như vậy, WB khuyến nghị Việt Nam cần có lộ trình củng cố tài khóa để đảm bảo sự bền vững tài khóa song không hoặc ít làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, có cân đối hợp lý giữa cải thiện nguồn thu ngân sách và nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Trong đó, về thu ngân sách, các nỗ lực tăng cường quản lý thu nhằm cải thiện nguồn thu đồng thời giảm gánh nặng tuân thủ cho người nộp thuế phải được thực hiện song hành với những sửa đổi về chính sách thuế nhằm đẩy mạnh huy động các nguồn thu trong nước.
Các lựa chọn chính sách cụ thể có thể bao gồm cải cách thuế giá trị gia tăng, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng, rà soát và hợp lý hóa các hình thức ưu đãi thuế nhằm mở rộng cơ sở tình thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và áp dụng thuế tài sản. Về chi ngân sách, các khoản chi đầu tư có hiệu quả về hạ tầng và nguồn nhân lực cần được bảo vệ đồng thời cần chú trọng nâng cao hiệu quả ở cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Nguồn tin: Pháp luật