Các nhà khoa học vừa nghiệm thu quy trình công nghệ sản xuất tinh quặng sắt, thép và vật liệu xây dựng không nung từ bùn đỏ phù hợp.
Đây là kết quả từ đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên” do TS Vũ Đức Lợi thuộc Viện Hóa học làm chủ nhiệm.
Theo đó đề tài tập trung xây dựng quy trình công nghệ sản xuất tinh quặng sắt, thép và vật liệu xây dựng không nung từ bùn đỏ phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho công nghiệp sản xuất Alumin tại Tây Nguyên.
Cụ thể các nhà khoa học đã nghiên cứu các thành phần và tính chất của bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại nhà máy alumin Lâm Đồng.
Từ nghiên cứu này nhóm đã xây dựng quy trình sản xuất thép từ bùn đỏ dựa trên công nghệ hoàn nguyên trực tiếp có hiệu suất thu hồi đạt trên 70%, xỉ lò có thể làm phụ gia cho sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng.
"Tuy nhiên, công nghệ này có nhược điểm là tiêu tốn năng lượng, dẫn đến giá thành cao và khó đáp ứng được về hiệu quả kinh tế", Hội đồng nghiệm thu đánh giá.
Hiện đề tài đã tiến hành sản xuất thử nghiệm với quy mô công nghiệp mẻ 200 tấn, hiệu suất thu hồi 1 tấn tinh quặng sắt/2,4 tấn bùn đỏ khô, sản phẩm tinh quặng sắt đạt 62,7% đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để sản xuất gang và sắt xốp.
Các tính toán về hiệu quả kinh tế cho thấy sản xuất ra 1 tấn tinh quặng sắt có chi phí thấp hơn so với giá sản phẩm thương mại trên thị trường, chứng tỏ tính khả thi của việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, hội đồng kiến nghị cần sớm xây dựng nghiên cứu dự án khả thi để sản xuất tinh quặng sắt, gang và thép từ bùn đỏ.
Tuy nhiên các nhà khoa học cũng lưu ý, hiệu quả kinh tế của công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ trong quá trình sản xuất Alumin tại Tây Nguyên cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh, với những lợi ích tổng thể về môi trường và kinh tế - xã hội.
"Cần phải đánh giá hiệu quả kinh tế của việc tiết kiệm kinh phí xây dựng hồ chứa bùn đỏ đến chi phí sản xuất của công nghệ", Hội đồng khoa học đánh giá.
Kết quả nghiên cứu này đã chứng minh nếu đưa vào sản xuất đại trà gang, thép từ bùn đỏ thì sẽ không có lãi.
Phân tích về mặt kinh tế, TS Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, chuyên gia cao cấp của đề tài thẳng thắn: Nếu tiến hành sản xuất gang, thép từ bùn đỏ thì sẽ lỗ.
"Tuy nhiên, nếu các nhà máy alumin trả tiền xử lý thay vì xây dựng bể, tức là lấy tiền xây bể đó trả cho đơn vị xử lý bùn đỏ trở thành tinh quặng để sản xuất ra gang, thép thì chúng ta lại có lời.
Chúng tôi đã thảo luận với Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam chắc chắn họ sẽ đồng ý và Chính phủ cũng đã đồng tình là đi đến thỏa thuận về giá, là các nhà máy alumin sẽ trả chi phí xử lý bùn bằng công nghệ này với một cái giá nhất định, có thể từ 5-10 USD/tấn chẳng hạn, thay vì một năm phải bỏ ra tới 300 tỷ đồng để làm bể chứa, thì bây giờ chuyển khoản kinh phí đó cho bên xử lý bùn đỏ", TS Lạng nói.
Điều này có nghĩa để có thể ứng dụng được công nghệ này thì đồng nghĩa với việc hoán đổi không xây dựng bể chứa để dùng tiền đó trả tiền cho bên xử lý bùn đỏ.
Đúng như sự nghi ngại của chuyên gia khi cho rằng giữa kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và việc đưa vào sản xuất đại trà là khác nhau.
Nói như GS. TS Nguyễn Quang Thái, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Giữa việc làm trong phòng thí nghiệm và quy mô công nghiệp khác hẳn nên cần phải xem xét, tính toán kỹ", TS Thái cảnh báo.
Phương Nguyên (Tổng hợp)
Nguồn tin: Baodatviet