Dư công suất, thừa thành phẩm, tiêu thụ nội địa không tăng, ngành thép đang phải tìm mọi cách cạnh tranh để mở đường xuất khẩu (XK).
Trong bối cảnh khó khăn đó, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính lại vừa trình Thủ tướng đề xuất tăng thuế suất thuế XK phôi thép và sản phẩm thép lên 3%, càng gây sức ép lớn cho các DN trong ngành...
Nguy cơ đối mặtkhủng hoảng thừa và…
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng lượng thép xây dựng sản xuất toàn ngành 5 tháng đầu năm đạt 2,2 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, tổng mức tiêu thụ thép xây dựng 5 tháng chỉ ở ngưỡng 2,14 triệu tấn, tăng 18%. Chưa kể mức tồn kho thành phẩm tháng 5 vào khoảng 320.000 tấn, cùng 520.000 tấn phôi chuẩn bị cho sản xuất tháng 6. Như vậy, lượng cung hiện tại đã vượt xa cầu.
Đó là chưa tính các nhà máy thép hiện mới vận hành 50 - 60% công suất thiết kế. Hơn thế, ngay trong năm nay, nước ta sẽ có thêm 8 dự án đầu tư đi vào sản xuất với tổng công suất hơn 2 triệu tấn/năm, như dự án nhà máy cán thép của Công ty Thép Việt (công suất 500.000 tấn/năm), Công ty Thép miền Trung (250.000 tấn/năm)… Năm sau cũng dự kiến có 3 nhà máy cán thép bắt đầu hoạt động với công suất tới 655.00 tấn/năm. Trước tình hình này, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA nhận định: "Ngành thép đang có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng thừa"
… đóng cánh cửa đầu ra
Năm 2010, XKcủa ngành thép chỉ đạt gần 1,05 tỷ USD trong khi nhập khẩu đạt tới 6,15 tỷ USD. Đến nay cả nước mới XK được vài sản phẩm thép, hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng. Mất cân đối xuất - nhập khẩu mặt hàng sắt thép cũng góp phần làm lệch cán cân thương mại quốc gia. Chính phủ đang tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội nên dự đoán tiêu thụ thép nội địa năm nay khó tăng mạnh. Dư công suất và thừa thành phẩm đang là bài toán khó cho ngành thép.
Mới đây, việc thép ống đã vào được thị trường Mỹ đã khẳng định được chất lượng sản phẩm thép Việt. Dù vậy, các sản phẩm sắt thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá với các nước Trung Quốc, Australia... - những quốc gia có sản lượng XK sắt thép rất lớn, lại được ưu đãi về thuế. VSA đang phải kêu gọi sự hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động XK, trước hết là không tăng thuế XK sắt thép. Trong bối cảnh khó khăn đó, thông tin Bộ Tài chính trình Thủ tướng đề xuất tăng thuế suất thuế XK phôi thép và sản phẩm thép lên 3% là "gáo nước lạnh" với DN thép.
Bộ Tài chính lý giải, ngành thép đang được hưởng lợi từ giá điện thấp khoảng 10 -15 USD/tấn (214.000 - 321.000 đồng/tấn) tùy theo công nghệ tiên tiến hay lạc hậu. Số liệu này căn cứ vào giá điện tính đủ để EVN không lỗ là 1.777 đồng/Kwh thay vì giá điện bình quân năm 2010 là 1.242 đồng/Kwh.
Song theo tính toán của VSA, xét theo giá điện bình quân năm 2010, giá điện chỉ chiếm 0,62% trong giá thành ống thép hàn; 0,77% với thép cán xây dựng; 0,91% với thép lá cán nguội và cao nhất là 5,14% với phôi thép. Cũng theo giá điện tính đủ (1.777 đồng/KWh) để ngành điện không lỗ, các tỷ lệ tương ứng là 0,89%; 1,11%; 1,3% và 7,35%. Do đó, giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép chiếm tỷ lệ thấp, nên lợi nhuận trong sản xuất và XK thép không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại như nhận định của Bộ Tài chính. Hiệp hội này cho rằng, trong lúc một số nước đang áp dụng các biện pháp trợ giá cho sản phẩm thép XK, nếu Việt Nam đánh thuế vào thép XK sẽ làm cho XK giảm, điều đó cũng có nghĩa "một cánh cửa đầu ra" của thép bị đóng lại, dư thừa thép thêm trầm trọng.
Nguồn tin: KTĐT