Sau khi tăng giá mạnh trong tháng 3 và đầu tháng 4, những ngày gần đây, giá thép đã chững lại, cho thấy thị trường này đang có nhiều bất ổn, cần được các cơ quan quản lý có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc đầu cơ, kiếm lợi.
Kinh tế thế giới hồi phục cuối năm 2009 đến nay đã thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ thép, cùng với sự khan hiếm nguồn nguyên liệu luyện kim đã làm giá nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới tăng cao. So với cùng kỳ năm 2009, mức giá tăng từ 50 đến 100%, riêng ba tháng đầu năm, tăng giá từ 20 đến 30%. Cụ thể, giá quặng sắt tăng 160%, than mỡ tăng 100%, thép vụn tăng 77%, phôi thép tăng 54% so năm 2009. Giá phôi thép thế giới hiện đang dao động ở mức 620 - 630 USD/tấn, tăng gần 100 USD so với đầu tháng 3. Sản xuất thép trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, cho nên giá thép trong nước chịu tác động từ biến động giá thép thế giới thời gian qua. Ngoài ra, việc các yếu tố tác động tới chi phí đầu vào như tỷ giá, thuế VAT, điện,... đã làm giá thép trong nước tăng đột biến, nhất là trong tháng 3 và đầu tháng 4.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong quý I, các doanh nghiệp thành viên của VSA tiêu thụ hơn 1,2 triệu tấn; trong đó riêng tháng 3 đạt 568 nghìn tấn, tăng 60% so cùng kỳ và tăng gần 90% so với tháng 3-2009. Toàn hệ thống VnSteel tiêu thụ gần 600 nghìn tấn, chiếm 53% thị phần trong VSA. Phó Tổng giám đốc VnSteel Nguyễn Thanh Chủy đánh giá, giá thép thế giới đã tiếp cận ở mức giá cao. Hiện nay, do thời tiết ấm, việc khai thác, vận chuyển thép phế liệu và các nguyên liệu luyện kim khác trên thế giới đã thuận lợi hơn, tăng nguồn cung trên thị trường, tạo điều kiện giảm sức ép về giá. Ở trong nước, giá thép tăng mạnh trong tháng 3 có khả năng do yếu tố tích trữ, đầu cơ. Như vậy, phần nhiều lượng thép các nhà máy bán ra vẫn chưa đưa vào sử dụng mà còn ở dạng tồn kho trong xã hội. Có thể thấy, thị trường thép đang tồn tại nhiều bất ổn, bị thao túng bởi một số doanh nghiệp cố tình đầu cơ kiếm lợi. Việc này cần được các cơ quan quản lý có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, lượng tồn kho thép xây dựng của các nhà sản xuất vẫn ở mức an toàn (khoảng 200 nghìn tấn), đồng thời dự trữ phôi thép cũng đang ở mức cao, khoảng 530 nghìn tấn. Theo nhận định của VnSteel, với việc tồn kho xã hội ở mức cao, sức ép về cầu thời gian tới sẽ giảm, cùng sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước và nguy cơ từ thép nhập khẩu tràn vào, giá thép trong nước trong quý II sẽ có chiều hướng giảm. Hiện nay, công suất cán thép xây dựng trong nước đã đạt hơn bảy triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu về thép xây dựng trong nước chỉ hơn năm triệu tấn. Hiện tại, hệ thống VnSteel cung cấp hơn 50% lượng thép xây dựng cho thị trường và đã có sự chuẩn bị tốt về nguyên liệu sản xuất cho quý II này. Vì vậy, VnSteel khẳng định sẽ không xảy ra tình trạng thiếu thép trong thời gian tới.
Triển khai Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 6-4-2010 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm nay, VnSteel đã đề ra một số giải pháp góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tham gia bình ổn thị trường thép xây dựng trong thời gian tới. VnSteel đã xây dựng kế hoạch tham gia bình ổn thị trường thép xây dựng, đồng thời liên tục theo dõi, chỉ đạo các đơn vị thành viên tham gia bình ổn thị trường hướng tới hai mục tiêu lớn là kiềm chế giá thép và bảo đảm cung ứng đủ thép cho thị trường. Giá bán của Tổng công ty trong quý I cũng như trong quý II này sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc giá được điều chỉnh trên cơ sở chi phí đầu vào hợp lý, tiết kiệm và thấp hơn giá thị trường để không gây đột biến về giá, góp phần bình ổn thị trường đồng thời bảo đảm không bị lỗ. Hiện giá thép trên thị trường đã tới mức 16 - 17 triệu đồng/tấn, trong khi đó giá thép xuất xưởng của VnSteel ngày 7-4 ở mức 13,7 triệu đồng/tấn.
Ngoài ra, VnSteel cũng đang tích cực triển khai một số biện pháp đồng bộ khác như đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nhằm tăng năng lực sản xuất, cung ứng thép trong thời gian tới. Ðồng thời, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm góp phần kiềm chế giá; tiếp tục phát triển hệ thống phân phối theo hướng tăng tỷ lệ cung ứng tới các công trình, đơn vị sử dụng cuối cùng; thực hiện niêm yết công khai giá bán...