Ngay sau chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ giảm khó khăn cho doanh nghiệp, một số nhà băng đã có động thái hỗ trợ các đơn vị kinh doanh bằng những phương án khác nhau.
Lãi suất huy động danh nghĩa là 14% một năm nhưng thực tế là cao hơn, đẩy mặt bằng cho vay cũng lên theo. Ảnh minh họa: Tuệ Minh.
Nhân viên phòng vốn một ngân hàng thương mại trên phố Nguyễn Du (Hà Nội) tiết lộ, lãi suất cho doanh nghiệp vay ngắn hạn thời điểm này vẫn ở mức 22- 22,5% một năm. Mức này có thể giảm 0,5% nếu như doanh nghiệp đạt tiêu chí xếp hạng về tài chính, phi tài chính của ngân hàng. Tốc độ giải ngân có thể từ 7 ngày (vay ngắn hạn) và 2 tuần (vay dài hạn), tùy từng trường hợp, anh này thông tin.
Một nhân viên tín dụng Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cũng cho biết, nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp đã được nới lỏng hơn. Với gói cho vay công nghiệp phụ trợ, lãi suất vay kỳ hạn ngắn khoảng 18%. Tốc độ giải ngân cũng đẩy nhanh hơn so với trước, dao động từ 5 ngày đến khoảng một tuần.
Anh Nguyễn Văn Trường, chủ công ty sản xuất đồ gỗ nội thất tại phố Đê La Thành (Hà Nội) cho hay, gần một tháng trước, anh đã hỏi nhân viên tín dụng một ngân hàng trên phố Ngô Quyền (Hà Nội) và bị từ chối tiếp nhận cho vay. Tuy nhiên, hai hôm nay, quay lại nhà băng này hỏi, anh được hướng dẫn khá nhiệt tình với tư vấn về gói cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, đơn vị này đang triển khai chương trình cho vay ưu đãi với một số đối tượng. Theo đó, những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dệt may, da giày và cơ khí chế tạo sẽ được ưu đãi vay tổng cộng 20.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn thông thường tối đa 2,5% đối với VND và với USD là 0,5%.
Một số nhà băng khác cũng bắt đầu có những động thái tương tự. Ngân hàng Hàng hải (Maritime bank) dự kiến giảm 0,5% lãi suất vay VND với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn chia sẻ, muốn "săn" được vốn vay với lãi suất ưu đãi, cần phải kiên trì. Anh Nguyễn Tất Thắng, chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất nước giải khát đóng chai tại huyện Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, các ngân hàng đều dè chừng về khả năng quản lý của các doanh nghiệp nhỏ khi tiến hành cho vay. Vì thế, nhận được ưu đãi cũng không nhanh và dễ dàng.
Lời khuyên của anh Thắng với các doanh nghiệp khác có ý định vay vốn ưu đãi từ ngân hàng là minh bạch hóa tài chính. "Trong đó, từ khâu lập dự án, quản trị rủi ro đến lên phương án sản xuất cụ thể, kế hoạch chi tiêu cũng như doanh số dự kiến đạt được...", anh chia sẻ.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Maritime bank cho biết, tùy từng thời điểm, ưu đãi về lãi suất của đơn vị này cho doanh nghiệp sẽ khác nhau chứ không cố định. Tuy nhiên, các ưu đãi này chưa phải là nhân tố quyết định bởi mặt bằng lãi suất vẫn cao và bên đi vay cũng khá dè chừng.
Đại diện Vietinbank cho biết, việc triển khai ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được áp dụng trong thời gian qua là theo chỉ đạo của Chính phủ. Song song với gói hỗ trợ này, Vietinbank cũng triển khai các hoạt động cho vay hỗ trợ sản xuất như lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu.
Số vốn giải ngân được, theo đại diện này, ước đạt khoảng 10.000 tỷ đồng. Đối tượng chủ yếu tìm đến nguồn vốn ưu đãi nói trên cũng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh dệt may, cơ khí... Lãi suất thuộc gói ưu đãi của nhà băng này thấp hơn so với cho vay thương mại, thường dao động 18-19% một năm, ông cho biết.
Nguồn tin: VnExpress