Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) cho rằng, việc lãi suất có dấu hiệu dịu lại phản ánh đúng nhu cầu thị trường, chứng tỏ thanh khoản của các ngân hàng không quá căng thẳng.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của NHNN để cải thiện khả năng thanh khoản. Thêm vào đó, sức ép cạnh tranh với các ngân hàng đối thủ khiến mặt bằng lãi suất chưa thể hạ. Đó cũng là lý do cho đến ngày 15/11, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng vẫn đứng ở mức cao chót vót. Đơn cử, tại SeaBank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 13%/năm; tại VPBank, lãi suất 13,5% vẫn tiếp tục duy trì cho kỳ hạn 13 tháng. Tại nhiều ngân hàng khác, dù lãi suất huy động niêm yết là 12%/năm theo đồng thuận, song thực tế, hầu như ngân hàng nào cũng có các chính sách khuyến mãi đi kèm.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) khẳng định, huy động vốn của Habubank không đến mức khan hiếm, song đơn vị vẫn phải tăng lãi suất huy động để giữ khách hàng, vì các ngân hàng khác đều đã tăng. Dù vậy, theo bà Thủy, lãi suất tăng, song tiền gửi của người dân vẫn không tăng so với trước đó. Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng lo chi phí đầu vào tăng, nhưng đầu ra lại khó khăn, vì vốn huy động không dồi dào, lãi suất cao.
Một diễn biến mới nữa trên thị trường lãi suất là song song với bơm vốn ra thị trường mở, NHNN cũng điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng lành mạnh hóa. Theo đó, NHNN yêu cầu các NHTM điều chỉnh cơ cấu tín dụng của 3 lĩnh vực: chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng, đặc biệt là dư nợ bất động sản và tiêu dùng. Dù tín dụng của ba lĩnh vực này vẫn đang ở mức an toàn, chỉ chiếm 18% tổng tín dụng cả hệ thống, nhưng số lượng cho vay tuyệt đối của 3 lĩnh vực này đang tăng lên.
“Tôi cho rằng, chủ trương hạn chế cho vay phi sản xuất, chống lạm phát là phù hợp. Tuy nhiên, không cần thiết phải siết chặt thêm nữa, bởi lĩnh vực này từ lâu đã bị siết rất chặt rồi”, ông Lý Xuân Hải nói.
Nhiều ngân hàng cũng cho hay, các biện pháp thắt chặt cho vay cũng vừa được ban hành, điển hình là tại Ngân hàng TMCP Nam Á, trong vòng 1 tuần gần đây, khách hàng vay tiêu dùng phải chịu lãi suất lên tới 21%/năm, trong khi tuần trước đó, lãi suất chỉ 17%/năm.
Điều đáng lo là, không chỉ vay phi sản xuất bị siết, mà trên thực tế, cả cho vay sản xuất cũng đang bị siết chặt bằng biện pháp tăng lãi suất. Hiện lãi suất cho vay phổ biến với khách hàng doanh nghiệp đã được nâng lên 17%/năm. Trưởng phòng tín dụng một ngân hàng TMCP cho hay, thời gian này, các nhân viên tín dụng hầu như ngồi chơi xơi nước, không phải chạy đôn đáo tìm khách vay vì lãnh đạo tuyên bố hạn chế cho vay. “Hiện ngân hàng tôi chỉ ưu tiên cho vay những khách hàng lớn, thân thiết, còn khách hàng nhỏ, khách hàng mới, thì hầu như không thể vay được. Vả lại, với mức lãi suất 17-18%/năm hiện nay, chẳng mấy DN nhỏ nào dám vay”, vị trưởng phòng này cho biết.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy cũng thừa nhận, 2 tháng cuối năm, tuy Habubank vẫn cho vay bình thường, song chỉ giải ngân đủ chỉ tiêu, không có chủ trương phát triển mạnh tín dụng như những tháng đầu và giữa năm.
Nhiều chuyên gia tài chính còn cho rằng, đang có hiện tượng một số ngân hàng lớn thừa vốn, nhưng không muốn cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay mà thích cho vay liên ngân hàng, vì nhanh gọn, chi phí thấp, ít rủi ro, lãi cao.
Việc ngân hàng thắt chặt cho vay những tháng cuối năm là một dấu hiệu tốt cho kiềm chế lạm phát, nhưng nếu thắt chặt quá mức, thì sẽ gây khó khăn cho sản xuất.
baodautu.vn