Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngân hàng dè dặt giảm lãi suất

Cả lãi suất huy động và cho vay đang giảm dần theo chủ trương của Chính phủ, song mức cắt giảm cũng chỉ tương đối và các ngân hàng còn dè chừng, vì huy động vốn không còn dễ như trước đây và lo ngại lợi nhuận trong kinh doanh sụt giảm.

Huy động về 11,2%

Đó là mức lãi suất cao nhất trong huy động vốn hiện nay. Song mức lãi suất này được hầu hết nhà băng áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 3 - 12 tháng. Chẳng hạn, tại ACB, mức lãi suất tiền gửi được điều chỉnh kể từ ngày 9/7 đối với sản phẩm lãi suất thả nổi cao nhất còn 11,2%/năm cho kỳ hạn từ 3 - 12 tháng.

Tuy nhiên, ở ngân hàng quy mô nhỏ, lãi suất huy động có phần nhích hơn. Cụ thể ở NamA Bank, sau khi điều chỉnh giảm xuống theo sự đồng thuận giữa các nhà băng, lãi suất tiết kiệm cao nhất được ngân hàng này áp dụng vẫn là 11,22%/năm cho kỳ hạn từ 3 - 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Mặt khác, các nhà băng quy mô nhỏ thường phải xem xét kỹ động thái của ngân hàng lớn trước khi đưa ra quyết định về lãi suất. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM cho biết, nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng hiện không còn dồi dào như trước. Cạnh tranh trong huy động vốn từ đó cũng khó khăn hơn, nhất là khi nhà băng ngày càng mở rộng mạng lưới hoạt động.

Vì thế, việc giảm lãi suất cũng phải dần từng bước, không thể cùng lúc mạnh tay cắt giảm. Lãi suất được xem là bài toán khá đau đầu của các ngân hàng hiện nay, vì nếu muốn giảm lãi suất đầu ra buộc nhà băng phải cắt giảm chi phí đầu vào. Song trên thực tế, lãi suất tiết kiệm cũng chỉ giảm nhẹ. Nếu so với cuối tháng 6/2010, hiện lãi suất huy động vốn chỉ giảm khoảng 0,2 - 0,3%/năm.

Trong khi đó, các ngân hàng quy mô lớn hơn lại cho rằng, vốn khả dụng đang khá dồi dào và muốn cắt giảm nhiều hơn lãi suất huy động vốn, nhưng cũng khó. Bởi theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, nếu giảm mạnh lãi suất đầu vào thì khó có thể cạnh tranh trong thu hút tiền nhàn rỗi và dòng tiền chuyển dịch sang nhà băng có lãi suất cao hơn là điều khó tránh. Hiện lãi suất cao nhất được áp dụng tại Vietcombank cũng là 11,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 3 - 12 tháng. Còn với kỳ hạn dài ngày 24 - 36 tháng, lãi suất chỉ còn 10,5%/năm. Đồng thời, Ngân hàng còn áp dụng kỳ hạn 1 - 2 tuần, với lãi suất đầu vào 7 - 7,5%/năm.

Tại ACB, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ngân hàng này cho biết, không khác gì tăng trưởng dư nợ, tình hình huy động vốn 6 tháng đầu năm nay cũng không tăng đều qua các tháng. Trong đó, có thời điểm lãi suất huy động được một số nhà băng áp dụng trên mức 11,5%/năm cũng khiến nguồn tiền tiết kiệm có dấu hiệu dịch chuyển.

Đây cũng là lý do mà ACB đưa ra quyết định giảm lãi suất huy động vốn trong đợt này sau các nhà băng khác, cho dù vốn huy động của Ngân hàng khá dồi dào. 

Theo đánh giá của các ngân hàng, nếu tình hình thị trường tiếp tục ổn định thì khả năng lãi suất còn giảm nhẹ trong những tháng tới. Theo đồng thuận giữa các ngân hàng, lãi suất huy động VND sẽ giảm xuống khoảng 11%/năm.

Trái chiều với lãi suất huy động vốn bằng tiền đồng, hiện các ngân hàng lại tăng dần lãi suất tiết kiệm ngoại tệ. Theo đó, lãi suất tiền gửi USD cao nhất được áp dụng hiện nay khoảng 5 - 5,25%/năm. Sở dĩ các nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm ngoại tệ là nhằm kỳ vọng hút thêm USD để cân đối nguồn, do đã đẩy mạnh cho vay trước đó.

 

Cho vay phổ biến mức nào?

So với cuối tháng trước, lãi suất cho vay thỏa thuận của các ngân hàng hiện đã giảm đáng kể. Mức thấp nhất còn 12 - 12,5%/năm, nhưng mức lãi suất này chỉ dành cho phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và DN nhỏ và vừa.

Trong đó, các DN xuất khẩu được là đối tượng khách hàng được các ngân hàng quan tâm “bơm” mạnh vốn giá rẻ.

Trong đó, với doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu được là đối tượng khách hàng được các ngân hàng quan tâm "bơm" mạnh vốn giá rẻ. Ngày 13/7/2010, Eximbank tiếp tục đẩy mạnh chương trình "Tài trợ xuất khẩu" bằng đồng Việt Nam, với lãi suất ưu đãi. Theo đó, mức lãi suấtđược Ngân hàng áp dụng cho các DN xuất khẩu còn 12%/năm và Eximbank dự kiến sẽ dành 2.000 tỷ đồng cho vay chương trình này.

Còn tại ACB, lãi suất cho vay tiền đồng (đối với DN xuất khẩu cam kết bán ngoại tệ cho Ngân hàng) chỉ còn 6,5%/năm. Còn lãi suất cho vay phổ biến hiện ở ACB là khoảng 13,5%/năm. Riêng đối với khách hàng cá nhân lãi suất cho vay thỏa thuận được áp dụng khoảng 14 -15%/năm.

Các ngân hàng cho biết, hiện mảng tín dụng cho vay DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu tăng mạnh hơn so với khách hàng cá nhân. Vì lãi suất cho vay phổ biến đối với khách hàng cá nhân còn cao. Đơn cử tại Western Bank, cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh hiện vẫn còn 14,4%/năm. Lãi suất cho vay thỏa thuận đối với DN xuất khẩu là 12,89%/năm. Còn với khách hàng cá nhân ở mức 15 - 16%/năm.

Lãi suất cho vay thỏa thuận được ngân hàng quy mô lớn áp dụng cho các DN vay vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh hiện nằm trong khoảng 13,5 - 14%/năm và 14 - 15,5%/năm ở nhà băng nhỏ. Đối với khách hàng cá nhân hiện dao động trong khoảng 14 - 15%/năm tại ngân hàng lớn và 15 - 17%/năm là ở nhà băng nhỏ.

Theo đại diện một ngân hàng nhỏ, với chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra hiện chỉ khoảng 2 - 3%/năm, sau khi trì chi phí thì khoản lãi không còn bao nhiêu. Đây cũng là lý do khiến một số ngân hàng vừa và nhỏ vẫn chần chừ trong việc giảm lãi suất đầu ra.

Tuy nhiên, theo dự báo từ các nhà lãnh đạo ngân hàng, khả năng lãi suất cho vay sẽ còn giảm thêm. Trong đó, với lĩnh vực xuất khẩu, các ngân hàng từng bước điều chỉnh dần lãi suất cho vay còn khoảng 12 - 12,5%/năm ở khối cổ phần quy mô lớn như Vietcombank, Eximbank, ACB… nhằm giảm áp lực cho DN.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mặt bằng lãi suất mới vừa được điều chỉnh trong 2 tuần đầu của tháng 7 và hiện các ngân hàng đang từng bước giảm dần lãi suất huy động và cho vay nên chưa thể đưa ra đánh giá cụ thể. Đồng thời, theo ông Giàu, mặt bằng lãi suất đang dần về mức hợp lý.

ĐTCK

ĐỌC THÊM