Mặc dù lãnh đạo NHNN liên tục khẳng định “ siết chặt quản lý” và “mạnh tay” với những NHTM tìm cách “đi đêm” với khách hàng để vượt “trần lãi suất huy động 14%”, tuy nhiên diễn biến thực tế ngày càng phức tạp hơn.
Những người trong cuộc hiểu rằng ngay cả khi “tảng băng” nợ xấu chưa lộ diện, thị trường tiền tệ đã ngập chìm trong vô vàn hệ lụy. Và nguy hại hơn, cả xã hội đang cuốn theo trào lưu ứng xử gian dối, đang trượt theo lối mòn: Thoả hiệp với sai trái!
Hai bên cùng “làm giá”
Giữa tháng 6.2011, khi mà cơn sốt” gom tiền đáo hạn NH xuất hiện, nhiều người chạy đôn, chạy đáo tìm nguồn hỗ trợ, “nước đến chân” hầu hết con nợ đều cầu cứu cán bộ NH. Bà N.T.T, một người chuyên kinh doanh vàng và BĐS ở phường Xương Huân - TP.Nha Trang cho biết: “Nếu mình có tài sản thế chấp và chi thêm vài giá, thì cán bộ NH sẽ đến tận nhà phục vụ. Trong lúc khó khăn, được NH “làm giá” vẫn còn dễ thở hơn vay nặng lãi tín dụng đen.
Làm ăn lâu dài, mọi hồ sơ giấy tờ liên quan đến NH phải thể hiện “sạch sẽ”, ở thời điểm nước sôi lửa bỏng, muốn tồn tại, phải chấp nhận “làm giá” để được vay vốn trả... vốn vay. Trong mọi trường hợp, tất cả các hợp đồng vay vốn đều thể hiện đúng mức lãi suất theo quy định của các NH, tuy nhiên người vay luôn luôn chi thêm cho cán bộ NH từ 1 -2%, ngay sau khi hoàn tất thủ tục đáo hạn.
Mặc dù Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu liên tục khẳng định sẽ “mạnh tay” với những NH tìm cách “đi đêm” với khách hàng để nâng mức lãi huy động trên 14%; tuy nhiên tất thảy cấp dưới đều... trái lệnh! Anh T.V.P ở phường Phước Hòa, TP.Nha Trang, kể: “Cơ quan có mấy tỉ đồng tiền nhàn rỗi, lãnh đạo thống nhất gửi tiết kiệm, mình được cử đi thăm dò thông tin ở chi nhánh NH trên đường Yersin.
Ngay trong buổi chiều hôm đó đã có 2-3 người tự xưng là cán bộ tín dụng của các chi nhánh NH (cũng ở trên đường Yersin) gọi điện thoại săn đón và ra giá, mức khởi điểm là 17%. Rất thất vọng vì thông tin khách hàng bị lộ, nhưng bù lại người gửi tiết kiệm được quyền “làm giá”. Vì vậy nên bên mình đòi lãi suất 19,5%. Phía NH trả giá nhích dần từng 0,1%! Vì là khách hàng mới, hơn nữa tiền gửi của tập thể và phải chia nhỏ thành nhiều sổ, đề phòng chi phát sinh, do đó bên mình chấp nhận gửi có kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 18%. Dĩ nhiên, trên sổ tiết kiệm, NH chỉ thể hiện lãi suất được hưởng 14%, phần chênh lệch 4% đính kèm hợp đồng phụ. Dù thế nào kế toán NH cũng biết cách “lách” để qua mặt kiểm toán và công khai tài chính minh bạch trước cổ đông!
Đạo đức kinh doanh đâu rồi?
GĐ Chi nhánh NHNN Khánh Hòa Đoàn Vĩnh Trường phân tích: “Hoạt động NH phản ánh sát đúng tình hình “sức khỏe” nền kinh tế. Hoạt động của hệ thống NH trong nước phụ thuộc hoàn toàn nguồn vốn tự có (không lớn) và nguồn huy động tín dụng (không ổn định), do chi phí đầu vào tăng nên lãi suất cho vay cũng rất cao. Đại đa số DN của nước ta đều vay vốn NH (lãi suất 23- 25%) để duy trì hoạt động, 6 tháng tới đây nếu hình tình không sớm cải thiện, e rằng tỉ lệ nợ xấu tăng nhanh. Trong bối cảnh hiện nay, không quá khó để phát hiện sai trái, nhưng xử lý kết luận kiểm tra như thế nào thì vẫn chưa có chế tài cụ thể.
Về tình trạng bát nháo do loạn lãi suất NH, lãnh đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn Khánh Hòa thừa nhận đó là thực trạng chung của cả nước và “thủ phạm” chính là NH. Hầu hết NH đã “lách” bằng chính sách thưởng lũy tiến. Từ cuối tháng 5.2011, lãi suất liên NH tăng, do huy động khó khăn, nhiều NHCP đã gom vốn bằng cách nâng lãi suất, nhưng không hề bị “thổi còi”.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 145 điểm giao dịch của 30 chi nhánh tổ chức tín dụng. Nhưng rất tiếc, bản báo cáo của chi nhánh NHNN địa phương về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2011 dài 10 trang, không có chữ nào đề cập đến sự thật đáng sợ mà ai cũng biết: Loạn lãi suất và hội chứng “đi đêm” với khách hàng!
Trong thực tế, những người quản lý DN luôn “nằm lòng” những định nghĩa khác nhau về đạo đức kinh doanh. Có nên thông cảm với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khi ông nói với báo chí rằng, trong những thời điểm lạm phát lên cao, việc điều hành lãi suất của NH trung ương gần như đi trên dây(?!).
Nguồn tin: Laodong