Lạm phát tăng cao, trong khi các doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN vừa và nhỏ liên tục kêu khát vốn, thì các ngân hàng (NH), với tư cách là DN đi vay để cho vay, cũng đang phải nỗ lực “vượt cạn”. Trong khó khăn chung đó, DN và NH không còn cách nào khác là phải bắt tay nhau để gỡ khó.
Doanh nghiệp lo phá sản, Ngân hàng lo nợ xấu
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), cho biết, hoạt động NH hiện đang đứng trước mâu thuẫn giữa việc phục vụ sự tăng
|
20% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản |
trưởng của nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng trong điều kiện lạm phát. Các DN kêu thiếu vốn, khó tiếp cận được vốn nhưng NH cũng là DN, vì vậy, phải có những tiêu chí cho vay, quan trọng là cho vay phải đảm bảo DN trả được nợ, chứ hiện nay không thể động viên các ngân hàng cho vay dưới chuẩn được. Bà Hương minh chứng cho khó khăn của các NH bằng một tính toán cụ thể: với mặt bằng lãi suất huy động và cho vay như hiện nay, chênh lệch lãi suất đầu ra và đầu vào của NH khoảng từ 0,1-0,15%, trong khi chi phí các loại chiếm khoảng 0,29%. Vấn đề này tác động mạnh vào tình hình tài chính của các ngân hàng vào cuối năm 2009. Đặc biệt, nợ xấu hiện đang là mối lo của các NH.
Bà Lê Thị Liên, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Hàng Hải, nêu thực tế, đối với NH, tài sản đảm bảo các khoản vay chủ yếu là bất động sản. Trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ, thị trường bất động sản không được cải thiện thì các NH sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết tình trạng nợ xấu.
Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ nợ xấu cho vay DNV&N của toàn hệ thống NH hiện là 3,64% (10.886 tỷ đồng), trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 37,3% tổng nợ xấu. |
Về phía DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ (DNV&N), tình trạng khan hiếm vốn đã trở thành mối lo thường trực. Ông Lý Đình Sơn, TTK Hiệp hội DNV&N đưa ra con số thống kê: DNV&N hiện chiếm tới 95% số DN của cả nước, tạo ra hơn 50% số việc làm nhưng lại là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ lạm phát. Hiện có tới 20% số DNV&N đang rất khó khăn hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Đây thường là những DN có quy mô khá, đã có giai đoạn tăng trưởng nhanh, đang có dự án mở rộng sản xuất kinh doanh sử dụng vốn vay NH. Chiếm tới 60% là những DN hiện trong tình trạng khó khăn, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Công ty cổ phần Thương mại Ninh Bình cho biết: 100% số DN ở Ninh Bình hiện không có vốn để kinh doanh sản xuất, đặc biệt là các DN xây dựng và kinh doanh bất động sản đang rất khó khăn do thị trường đóng băng và không tiếp cận được nguồn vốn. Nhiều DN hiện không có khả năng trả nợ.
Theo ông Lý Đình Sơn, có 3 nguyên nhân dẫn đến khó khăn của DN, đó là: giá cả các yếu tố đầu vào cho sản xuất thay đổi mạnh và khó lường. Rất ít DN có khả năng lường đoán được những diễn biến này, luôn bị động; lãi suất NH tăng lên rất cao khiến các NH đã khó lại càng khó hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay; giá cả tiêu dùng tăng mạnh khiến sức mua giảm, DN gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm…
Tự cứu mình trước khi trời cứu
Làm gì để giảm bớt khó khăn trong tình hình hiện nay là vấn đề cả NH và DN cùng quan tâm. Ông Lý Đình Sơn cho biết một vài giải pháp Hiệp hội DNV&N đang kiến nghị Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN. Thứ nhất là đề nghị Chính phủ dành một khoản vốn cho các DNV&N vay với lãi suất hợp lý; hai là miễn, giãn, hoãn tiến độ nộp thuế cho DN; ba là nhanh chóng hình thành Quỹ phát triển DNV&N, để thúc đẩy sự ra đời của các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNV&N, Quỹ Bảo hiểm cho các DNV&N và cung cấp một số hỗ trợ kỹ thuật cho các DN này.
Đại diện NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị Chính phủ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuộc nhóm cân đối lớn; đối với một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực cần có cân nhắc giảm thuế xuất khẩu phù hợp.
Bà Dương Thu Hương nêu vấn đề, trong điều kiện chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ, mong Chính phủ và NHNN có thêm những giải pháp mềm (như việc hai lần nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và cho phép “vận động” khối lượng tiền tệ khi các Ngân hàng thương mại mua tín phiếu thời gian qua) khi cần thiết để hỗ trợ cho nền kinh tế. Còn ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNV&N, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bản thân các DN phải tự tìm cách cứu mình trước khi trời cứu. Các DN hơn lúc nào hết phải tiết giảm chi phí, dự trữ nguyên liệu, tiết kiệm chi tiêu, cơ cấu ngành nghề hợp lý… Đây cũng là lúc các DN phải dựa vào nhau, liên kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Ông Lý Đình Sơn thì cho rằng, không chỉ ngồi chờ đợi, Hiệp hội DNV&N cùng các hiệp hội, hội DNV&N địa phương phải chủ động hợp tác với nhau để cùng tìm giải pháp khắc phục các khó khăn hiện nay./.
VOV