Các ngân hàng thương mại đồng loạt cơ cấu lại lãi suất huy động. Một diễn biến khá âm thầm và được giải thích là hợp với bối cảnh hiện nay.
Chiều 8/10, cuộc họp giữa các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) diễn ra tại Hà Nội với những nội dung đáng chú ý. Sau cuộc họp này, dự kiến lãi suất huy động và cơ cấu các kỳ hạn trên thị trường sẽ có những thay đổi lớn.
Loại dần những kỳ hạn “nóng”
Về nội dung cuộc họp này, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký VNBA, cho biết đó chỉ là cuộc họp mang tính nội bộ giữa các thành viên trong Hiệp hội, không liên quan đến việc thống nhất hay thỏa thuận tăng hay giảm lãi suất như một số thông tin bên lề.
Tuy nhiên, bà Hương đề cập đến một thông tin đáng chú ý: Cuộc họp trên có bàn đến việc trả lại tính hợp lý cho “đường cong lãi suất” trên thị trường hiện nay. Theo đó là khả năng có những điều chỉnh trong cơ cấu lãi suất, từ thấp đến cao ứng với các kỳ hạn tiền gửi.
Còn theo thông tin từ một lãnh đạo ngân hàng thương mại tham gia cuộc họp trên, nội dung cụ thể là đặt ra yêu cầu các thành viên bỏ dần các kỳ hạn cực ngắn trong cơ cấu tiền gửi.
Trước đó, từ đầu năm 2008, khi nguồn vốn khả dụng và thanh khoản của nhiều ngân hàng bắt đầu khó khăn, thị trường xuất hiện những kỳ hạn “nóng” trong cơ cấu huy động, như kỳ hạn theo ngày, theo tuần với lãi suất cao hơn hẳn so với lãi suất không kỳ hạn áp dụng chung trước đó.
Nhiệm vụ của các kỳ hạn “nóng” này là tạo hấp dẫn đối với người gửi tiền, nhanh chóng gọi vốn để giải quyết khó khăn thanh khoản. Sự ra đời của những kỳ hạn đó mang tính tình thế và trở nên “méo mó” trong bối cảnh hoạt động ngân hàng đã dần ổn định trở lại. Trên thực tế phần lớn các ngân hàng hiện nay đều áp dụng lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn lãi suất kỳ hạn dài.
“Đến thời điểm này, bối cảnh đã khác, vốn khả dụng và thanh khoản đã thuận lợi, các ngân hàng tính đến việc loại trừ những kỳ hạn nóng đó, cơ cấu cho hợp lý hơn với yêu cầu của từng thành viên”, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, về cơ bản các đại diện tham gia cuộc họp trên đều đồng ý với hướng cơ cấu lại các kỳ hạn, trong đó loại bỏ những kỳ hạn cực ngắn dưới 1 tháng, chuyển sang không kỳ hạn. Sự cơ cấu lại này được giải thích từ yêu cầu “cần hợp lý”, nhưng về phía quyền lợi khách hàng sẽ thế nào?
Theo tính toán của ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), hiện nay phần lớn các khách hàng đều gửi tiền từ kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống, và với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng như tháng 9 vừa qua, với mức lãi suất hiện nay khoảng 1,4%/tháng và với các kỳ hạn ngắn thì người gửi tiền vẫn được lãi suất thực dương.
Và khi những kỳ hạn ngắn đó bị loại trừ, lãi suất thực dương ở các khoản tiền gửi 1 – 3 tuần như hiện nay có thể không còn.
Giảm lãi đầu vào, lãi đầu ra còn xét
Đi cùng với việc cơ cấu lại các kỳ hạn, các ngân hàng thương mại cũng đã và đang nhìn nhau giảm lãi suất huy động. Nhưng với lãi suất cho vay đầu ra, hiện thị trường vẫn phải chờ đợi…
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tuần qua, lãi suất huy động VND của các ngân hàng quốc doanh phổ biến ở mức 16,98%/năm kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng, 17,14%/năm kỳ hạn 12 tháng; còn ở khối cổ phần, kỳ hạn 3 tháng là 17,9%/năm, 6 tháng là 17,76% và 12 tháng là 17,38%/năm.
Nhưng đến ngày 8/10, lãi suất huy động VND của hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã giảm xuống mức thấp. Tại Ngân hàng Á châu (ACB), mức cao nhất của tiền gửi tiết kiệm thông thường chỉ là 16,5%/năm với điều kiện số tiền gửi phải từ 50 tỷ đồng trở lên và không được rút trước hạn. Còn lại, hầu hết các kỳ hạn đều thấp hơn 16,5%/năm.
Hay tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), mốc lãi suất huy động VND cao nhất ấn định ở 17%/năm; các kỳ hạn sau 12 tháng chỉ ở mức 13,5%/năm. Tại nhiều ngân hàng cổ phần khác, lãi suất cũng đã rút về phổ biến dưới 17%/năm.
Theo Phó tổng giám đốc Techcombank, trong giai đoạn hiện nay ngân hàng này sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất giảm đối với các kỳ hạn ngắn và duy trì mức lãi suất mức lãi suất hợp lý đối với các kỳ hạn dài trên nguyên tắc vẫn đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
Còn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngay sau cuộc họp giữa các thành viên VNBA nói trên, cũng đã có quyết định giảm lãi suất huy động, đặc biệt giảm sâu ở các kỳ hạn dưới 3 tháng (xuống còn 15%/năm); các kỳ hạn từ 3 – 12 tháng còn 16,5%/năm; trên 12 tháng đến 24 tháng từ 17% - 17,3%/năm.
Có thể sau cuộc họp nói trên, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục có điều chỉnh giảm. Nhưng điểm đáng chú ý là lãi suất cho vay đầu ra hiện vẫn chưa có những điều chỉnh tương ứng; cá biệt có mốc 17,5%/năm của BIDV, hay mốc 18%/năm của Ngân hàng Liên Việt áp dụng từ 1/10 vừa qua.
Nếu các ngân hàng cùng nhận định tình hình thanh khoản, vốn khả dụng, lạm phát đã có chiều hướng thuận lợi để giảm lãi suất huy động (liên quan đến lợi ích người gửi tiền), thì cũng cần đề cập đến những thuận lợi đó để xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay (liên quan đến lợi ích doanh nghiệp, người vay vốn).
Nhưng, một thực tế là nhiều ngân hàng đang đứng trước áp lực mục tiêu lợi nhuận năm 2008, khi tăng trưởng tín dụng thấp (hiện mới chỉ hơn 19%) và thời gian còn lại của năm chỉ còn chưa đầy 3 tháng.
VnEconomy