Những con số lãi “khủng” của các NHTM trong 6 tháng đầu năm 2011 vừa được công bố đang đặt câu hỏi liệu đó có phải là hệ quả của việc lãi suất cho vay bị đẩy lên quá cao (!).
Những khoản lãi nghìn tỷ
Cuối tháng 7 vừa qua, 4 ngân hàng (NH) lớn đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là Vietcombank, Vietinbank, Eximbank và Sacombank cùng lúc công bố báo cáo tài chính quý II/2011 với những khoản lãi “khổng lồ” lên tới vài nghìn tỷ đồng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp lao đao vì lãi suất vay vốn cao ngất vượt xa sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Hai ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất được công bố là Viettinbank và Vietcombank với khoản lợi nhuận cao nhất đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Hai NH cổ phần khác là Eximbank và Sacombank tuy chỉ có mức lợi nhuận bằng 50% lợi nhuận của hai NH khủng trên, nhưng cũng là mức lợi nhuận khá cao.
Đằng sau việc lãi lớn của các ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro (ảnh minh họa).
Lần lượt một số NHTM top dưới cũng bắt đầu công bố lợi nhuận tuy có phần khiêm tốn nhưng cũng đạt vài trăm tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Bình luận về khoản lãi lớn của các NHTM, báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đưa ra nhận xét: Mặc dù các chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt hơn từ đầu quý II, tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, nhưng nhiều ngân hàng vẫn hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, thậm chí vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng kinh ngạc so với cùng kỳ.
Những khó khăn vĩ mô và chính sách dường như chỉ tác động lên các doanh nghiệp đi vay vốn để kinh doanh sản xuất, chứ không tác động đến các ngân hàng cho vay. Tăng trưởng cả nước bị chậm lại đáng kể so với năm ngoái thể hiện rõ gánh nặng mà các doanh nghiệp sản xuất đang phải chịu.
Trong khi đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực này phân tích: Lợi nhuận ngân hàng có được từ chênh lệch lãi suất thông thường. Trước đây, huy động 9%, cho vay 12%, chênh lệch 3%. Nay huy động 18%, cho vay 23%, chênh lệch lên tới 5%. Thứ hai, nguồn huy động từ vốn thanh toán, quỹ đầu tư, liên ngân hàng, vốn ngân sách chưa giải ngân...
“Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn chung, không thể phủ nhận các ngân hàng vẫn có những thế mạnh để tìm kiếm được lợi nhuận tối đa từ hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là ở hoạt động cho vay” - một giảng viên khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học KTQD) nhận định.
Tiềm ẩn không ít rủi ro
Một trong 10 kiến nghị quan trọng của Ủy ban Kinh tế khoá XII gửi đến Quốc hội khóa XIII, trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2011, đó là việc cần phải phát triển đồng bộ và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, giảm thiểu rủi ro qua hệ thống giám sát an toàn thị trường tài chính nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng là nền tảng cơ bản để ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
Ở nội dung này, bản kiến nghị đã phân tích những rủi ro lớn mà hệ thống tài chính - ngân hàng đang phải đối diện. Đó không chỉ là rủi ro thanh khoản, rủi ro đạo đức, mà còn là rủi ro chéo với các thị trường tài sản, như tín dụng bất động sản hay rủi ro chéo liên quan đến thị trường chứng khoán.
Phó Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã phát đi tín hiệu cảnh báo với hệ thống ngân hàng về những rủi ro có thể phát sinh do sai lệch cơ cấu nguồn vốn và nợ xấu bất động sản.Đồng thời cũng vào thời điểm này, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating cũng đã đưa ra đánh giá mức độ rủi ro trong dài hạn của hệ thống NH Việt Nam, trong đó xếp cả 4 ngân hàng Việt Nam đồng hạng B. Trong đó, ACB, Sacombank. Vietinbank, cùng với Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), được đánh giá ở mức D/E (ngưỡng tiệm cận rủi ro). Riêng Agribank nhận điểm E (có rủi ro).
Mới đây, tại cuộc hội thảo về bất ổn kinh tế vĩ mô, Phó Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã phát đi tín hiệu cảnh báo với hệ thống ngân hàng về những rủi ro có thể phát sinh do sai lệch cơ cấu nguồn vốn và nợ xấu bất động sản.
Xung quanh vấn đề này, nguyên Thống đốc NHNN - ông Cao Sĩ Kiêm kiến nghị: NHNN cần quy định rõ ràng để kiểm soát lãi suất huy động và cho vay, sao cho chênh lệch giữa lãi suất đầu vào - đầu ra hợp lý. Thời gian qua do quy định nhập nhằng, không sát thực tế dẫn đến cơ quan quản lý không nắm được lãi suất huy động thực tế của ngân hàng bao nhiêu nên lãi suất cho vay bị đẩy lên cao, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Nguồn tin: Danviet