Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngân hàng "mạnh tay" cắt giảm nhân sự để tái cơ cấu

 Hoạt động kinh doanh gặp khó khi sức khỏe doanh nghiệp yếu dần, trong khi ngành ngân hàng vẫn phải tiếp tục tái cơ cấu đã dẫn đến những biến động tất yếu về nhân sự.

Làn sóng cắt giảm nhân sự không chỉ diễn ra tại các ngân hàng lớn, với nhà băng nhỏ, nhất là ở những ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu và buộc phải sáp nhập, hợp nhất, bán lại để lớn mạnh hơn… nhân sự cũng đang trong tình cảnh “nhấp nhổm” kẻ ở-người đi.

“Sóng ngầm” cắt giảm nhân sự

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn, chi phí hoạt động của các ngân hàng ngày một tăng cao, nhưng lợi nhuận sụt giảm, đòi hỏi trước hết ngân hàng phải tinh giản bộ máy.

Với các nhà băng thuộc diện tái cơ cấu, việc cắt giảm nhân sự càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Bởi khi hai hoặc ba tổ chức tín dụng hợp nhất lại với nhau, số lượng nhân viên sẽ gia tăng, gây áp lực rất lớn đến quỹ lương của ngân hàng…

SHB vừa gây sốc trong báo cáo tài chính riêng lẻ, khi điểm đáng lưu ý nhất không phải chỉ tiêu lợi nhuận được cải thiện mà chính là việc SHB mạnh tay cắt giảm nhân sự. Chỉ trong ba tháng, 666 người đã phải rời SHB khiến tổng nhân sự tại ngân hàng này chỉ còn 4.256 người, thay vì 4.922 người như thời điểm đầu năm 2014.

Thế nhưng, đây không phải lần đầu tiên SHB cắt giảm nhân sự. Trước đó, vào quý 3/2013, SHB cũng đã sa thải 134 người và cắt giảm tới 70% lương so với cùng kỳ năm 2012. 

Tương tự, nhân sự của Maritime Bank cũng là vấn đề khá “hot” và được thị trường quan tâm bởi lẽ đây là ngân hàng có các quyết định điều chỉnh về nhân sự mạnh tay nhất trong hệ thống. Tại thời điểm cuối năm 2013, ngân hàng có tổng cộng 3.536 nhân sự, giảm 1.343 người so với cuối năm 2012. Trước đó, trong năm 2012, ngân hàng này cũng đã cắt giảm 1.060 nhân sự!

Theo lý giải của lãnh đạo Maritime Bank, công tác nhân sự năm qua được bố trí, sắp xếp lại là nhằm tinh giản bộ máy, tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực cốt lõi của ngân hàng. 

Tuy không mạnh tay cắt giảm nhân sự như Maritime Bank nhưng trong năm 2013, số lượng nhân viên tại ACB cũng tiếp tục giảm. So với cuối năm 2012, số lượng lao động tại ACB mất việc lên tới 1.115 người.

Là một nhân viên vừa nghỉ việc, chị Quỳnh Trâm trước làm ở một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội mới bị sáp nhập cho biết, bộ phận Marketing của chị gồm bốn người hiện chỉ còn lại một. “Chỉ ngồi đó mà không có việc, nản quá mọi người đành đệ đơn xin nghỉ. Còn lại một số khác thì đang bị giao việc quá nhiều. Đó là chưa kể sau giờ làm phải ở lại học thêm những cái mới của ngân hàng mới. Đến khi quá tải, họ cũng phải tính đến chuyện nghỉ việc mà thôi,” chị Trâm tâm sự.

Qua tìm hiểu thực tế tại một số ngân hàng, việc tái cơ cấu nhân lực của nhà băng diễn ra khá “khốc liệt”. Có vài ngân hàng đẩy mạnh sa thải nhân viên có liên quan đến nợ xấu (giảm lương, ép chỉ tiêu thu hồi nợ, trong một thời gian cam kết không thu hồi được nợ sẽ mất việc). Có nhà băng thì cho nhân viên nghỉ việc một cách gián tiếp như không phân công công việc (nếu không tự xin nghỉ thì xem như không có việc để làm). Một số trong khi đó không ký tiếp hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng khi không hoàn thành kế hoạch...

Bên cạnh đó, một số ngân hàng sau khi sáp nhập dù không chính thức sa thải nhưng phần lớn lãnh đạo đơn vị mới “vô tình” tạo áp lực để nhân viên tự nghỉ. Một nguyên nhân bởi hệ thống vận hành của ngân hàng mới khác nhiều so với ngân hàng cũ.

Một yếu tố nữa cũng quyết định đến việc nhân viên tự nghỉ việc đó là khi về với ngân hàng mới, họ không được giao việc gì cụ thể. Cắt giảm chi phí, những phòng giao dịch không đạt chỉ tiêu phần lớn bị đóng cửa hoặc bị gom vào phòng giao dịch khác.

Nhân sự đã trúng tuyển tại VietinBank. (Nguồn: VietinBank).


Có rất nhiều lý do để lý giải cho sự mất việc. Có thể đó là do sự khác nhau về chiến lược kinh doanh của lãnh đạo ngân hàng sau sáp nhập, nhưng cũng có thể là “đòn” tâm lý của lãnh đạo ngân hàng mới muốn đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu chuyên môn cao hơn. Song, dù lý do gì thì kết quả cuối cùng vẫn là chuyện người lao động tự dưng mất việc mà họ đã dày công gây dựng, gắn bó bao nhiêu năm.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, việc chuyển đổi vị trí, nhảy việc từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, thậm chí chịu sa thải là xu hướng chung trong bối cảnh hiện nay.

“Ồ ạt” thay tướng

Thực tế, thời gian qua, chúng ta chứng kiến cả sự luân chuyển công tác từ ngân hàng thương mại cổ phần này sang ngân hàng cổ phần khác ở cấp tổng giám đốc.

Đến thời điểm này thị trường tài chính đã có đến hàng chục ngân hàng thay đổi lãnh đạo từ cấp Hội đồng quản trị đến ban tổng giám đốc, như: VIB, Techcombank, Vietinbank, Eximbank, Sacombank, DongABank, SCB, NamABank, KienLongBank…

Đáng chú ý là việc chuyển đổi nhân sự tại Eximbank, ở vị trí Tổng giám đốc, từ tháng 9/2013 tới nay, ngân hàng này đã 3 lần thay đổi chủ nhân của “ghế nóng”. Trước đó, nguyên Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước từ nhiệm để nhận nhiệm vụ mới do Thủ tướng giao ở Ủy ban giám sát tài chính quốc gia. Sau khi ông Phước ra đi, ông Nguyễn Quốc Hương được bổ nhiệm giữ quyền Tổng giám đốc và chính thức làm Tổng giám đốc từ tháng 12. Sau tròn 4 tháng, ghế CEO của ngân hàng này lại thay đổi với chủ nhân mới là ông Phạm Hữu Phú (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank).

Đặc biệt là Ngân hàng Quốc tế (VIB) chỉ trong một thời gian ngắn đã có sự thay đổi hàng loạt nhân sự cao cấp. Cụ thể, ông Đặng Khắc Vỹ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB, ông Đặng Văn Sơn vào vị trí Phó chủ tịch; ông Hàn Ngọc Vũ đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc thay bà Đàm Bích Thủy từ nhiệm sau hơn 6 tháng làm Tổng giám đốc Ngân hàng này.

Mặc dù không giống nhưng những ngân hàng trên nhưng việc thay đổi nhân sự cấp cao tại VietinBank cũng gây chú ý của nhiều người. Do đã đến tuổi nghỉ hưu nên nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Huy Hùng đã rút lui, thay vị trí này là ông Nguyễn Văn Thắng (nguyên Tổng giám đốc). Ngoài ra, ông Lê Đức Thọ, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước về làm Tổng giám đốc Ngân hàng này…

Theo giới phân tích, việc các ngân hàng dồn dập đổi mới lãnh đạo cấp cao chủ yếu là do các đại gia đã chuyển nhượng vốn cổ phần cho người khác hoặc thay đổi người đại vốn. Từ đó, xuất hiện nhiều nhân tố mới trong Hội đồng quản trị của các ngân hàng.

Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, vận hành một tổ chức tài chính không hề đơn giản. Do đó, việc một hoặc vài lãnh đạo ngân hàng bị điều chuyển hoặc thay đổi công tác khác do không đạt kế hoạch đề ra là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, việc dồn dập thay tướng tại thời điểm này thể hiện Hội đồng quản trị các ngân hàng mong muốn và hy vọng sẽ có sự đột phá trong cách điều hành của những CEO mới để gia tăng lợi nhuận và giảm nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu mà Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt cải tổ trong hai năm qua./.

Nguồn: TTXVN

ĐỌC THÊM