Hơn 50 lượt đại biểu đã đứng lên chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Quốc hội tuần qua. Quá nửa trong số này tập trung hỏi về vấn đề tái cơ cấu và bất hợp lý giữa lãi suất tiền gửi - lãi suất cho vay, một biểu hiện bất công trong phân phối lợi nhuận giữa một bên là ngân hàng còn bên kia là người gửi tiền và doanh nghiệp cần vốn. Nhiều đại biểu đặt vấn đề: lạm phát 17-18%, tại sao ngân hàng chỉ trả lãi tiền gửi 14% một năm. Trong khi lãi suất đầu vào bị khống chế, lãi suất đầu ra tiếng là phải giảm xuống 17-19% nhưng nhiều doanh nghiệp than phiền vẫn phải chấp nhận lãi suất cao hơn thế mà vẫn không thể tiếp cận được vốn.
Trong khi lãi suất 14% không đủ sức hấp dẫn, thông tin tái cơ cấu toàn hệ thống ngân hàng khiến người gửi tiền càng thêm hoang mang. Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong hai tháng 9 và 10 đều sụt giảm, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước. Cá biệt tại một số ngân hàng, có thời điểm lượng tiền rút ra lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày. Không chỉ ngân hàng nhỏ, ngay cả một số ông lớn quốc doanh cũng chịu cảnh hụt thanh khoản vì dân rút tiền.
Thời điểm căng thanh khoản nhất, cách đây gần tháng rưỡi, nhiều ngân hàng tưởng chừng rơi vào cảnh phá sản khi khách ồ ạt rút tiền. Không dám trả lời mình hết tiền, nhiều ngân hàng phải giữ chữ tín bằng cách chấp nhận vay liên ngân hàng lãi suất 20-30% để trả cho khách.
Một số thành viên đã phải cầu cứu Hiệp hội Ngân hàng đánh tiếng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản. Có ngân hàng thậm chí đánh liều thử chào lãi suất 19-20% nhưng khách cũng không mặn mà bởi nỗi ám ảnh tái cơ cấu, sáp nhập quá nặng nề.
Hai tháng qua, lãi suất liên ngân hàng (kỳ hạn 12 tháng) nhiều thời điểm vượt 15% một năm, thậm chí lên đến trên 36%. Nguồn dữ liệu: SBV |
"Mọi năm các ngân hàng đều căng thanh khoản vì cho vay nhiều để phục vụ thanh toán cuối năm, nhưng giờ thì ngược lại, không cho vay ra nhưng thanh khoản còn căng hơn vì phải lo trả tiền cho khách đến rút. Người ta phải đi vay liên ngân hàng để thanh toán tạm thời cho khách hàng đến rút", Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng xác nhận.
Ông Hưởng cho biết thêm những ngày gần đây hiện tượng rút tiền đã giảm dần, nhưng nhiều ngân hàng vẫn khan tiền đồng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn nóng. Lượng tiền chảy ra khỏi ngân hàng thời gian qua, theo ông Hưởng, chủ yếu đổ dồn vào vàng, và người dân mua vàng cũng không mang vào ngân hàng gửi mà đem về nhà cất trữ.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Nguyễn Thanh Toại cho biết lượng tiền gửi VND ở ACB vẫn chưa tăng trở lại, một phần vì lãi suất 14% không đủ hấp dẫn khách hàng.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI - đơn vị đang đầu tư vào 2 ngân hàng Nam Việt và Phương Tây) ) lại cho rằng chính sự nóng vội thực hiện chủ trương tái cấu trúc và sáp nhập đã tạo ra những rúng động không đáng có trên thị trường, đặc biệt là trong 3 tuần đầu tháng 10.
"Chính sách thắt chặt tiền tệ đột ngột gia tăng liều lượng, lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng sụt giảm, lãi suất đội lên. Nhiều người vay không được giải ngân theo đúng hợp đồng đã ký. Một số ngân hàng tầm trung gặp khó khăn lớn một cách bất ngờ, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ. Nếu không chỉnh chính sách phù hợp, người dân sẽ tiếp tục rút tiền mua vàng và đôla như vừa qua, làm thị trường tiền tệ thêm tiềm ẩn nguy cơ", ông Tâm cảnh báo.
Chia sẻ quan điểm này, ông Hưởng cho rằng thông tin tái cơ cấu đưa ra lúc đầu khiến nhiều người hiểu lầm sẽ có ngân hàng phá sản, giải thể và lo lắng đi rút tiền mua vàng về nhà cất trữ. Theo ông Hưởng, tất cả các ngân hàng phải vay liên ngân hàng với lãi suất trên 20% đều lỗ, bởi lâm vào cảnh mua đắt bán rẻ.
"Cho vay 17-18% nhưng huy động tới 25-27%, chỉ trong một tháng sẽ bị đẽo hết lợi nhuận", ông Hưởng nói thêm.
Thực tế một hai tuần gần đây, thông điệp tái cơ cấu ngân hàng đang được định hình rõ nét hơn. Chính phủ khẳng định tái cơ cấu nhưng không để xảy ra hiện tượng đổ vỡ. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - đơn vị chủ trì đề án tái cơ cấu ngân hàng xác nhận hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện chưa xấu tới mức phải cho phá sản một ngân hàng nào đó.
Trên diễn đàn Quốc hội tuần qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kêu gọi cần có cách hiểu đúng đắn về tái cơ cấu, không nên hoang mang về hoạt động hết sức bình thường này. Theo ông, kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển mới, buộc hệ thống ngân hàng phải có những đổi mới nhất định, đáp ứng được những nhiệm vụ mới của giai đoạn phát triển mới.
"Tái cơ cấu là nhu cầu khách quan, đảm bảo xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, có đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Chứ không phải hệ thống ngân hàng của chúng ta quá yếu kém, đến mức nguy hiểm cần tái cơ cấu nếu không sẽ gây ra hệ lụy", ông giải thích với các đại biểu Quốc hội.
Tài sản của người gửi vẫn được bảo toàn khi ngân hàng sáp nhập, hợp nhất với đơn vị khác. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Thống đốc Bình thừa nhận nhiệm vụ thách thức nhất của quá trình tái cơ cấu là phải xử lý các ngân hàng có tình hình tài chính yếu kém (hiện chiếm khoảng 5% trong tổng số 37 ngân hàng cổ phần). Tuy nhiên ông cam kết đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng khi tái cơ cấu, giống như kiểu "diệt sâu rầy mà vẫn giữ cánh đồng lúa xanh tốt", hay "đánh chuột không được đổ bình".
Giải pháp an toàn được Ngân hàng Nhà nước tính tới đó là "phát huy nội lực", dùng lực lượng sẵn có trong hệ thống, để các ngân hàng có quy mô lớn hơn và tình hình tài chính tốt hơn tham gia vào việc tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ hơn, vừa hiệu quả, tiết kiệm được chi phí, lại tránh gây đổ vỡ. Cách làm này, theo Thống đốc Bình cũng sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi người gửi tiền và khách hàng của ngân hàng.
"Phương án giải thể, phá sản ngân hàng không được tính tới. Điều này cũng có nghĩa tài sản của khách hàng và người gửi tiền được đảm bảo. Trong trường hợp ngân hàng phải sáp nhập, cổ đông là người duy nhất chịu ảnh hưởng chứ không phải khách hàng hay người gửi tiền", ông Nguyễn Đức Hưởng phân tích.
Bản thân Bưu điện Liên Việt cũng đang trong quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập (giữa Ngân hàng Liên Việt và Công ty Tiết kiệm Bưu điện). Ông Hưởng cho biết Liên Việt cam kết không chỉ hoàn tất mọi nghĩa vụ nợ của Tiết kiệm Bưu điện, mà còn không sa thải người lao động ít nhất trong vòng 3 năm sau sáp nhập.
"Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ hơn về việc bảo toàn tài sản và quyền lợi của người gửi tiền trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, để tránh những hiểu lầm không đáng có trong dân chúng", ông Hưởng nói thêm.
Cũng theo ông Hưởng, bên cạnh các thông điệp rõ ràng về quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tích cực hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng yếu, đồng thời có biện pháp thu hút nguồn vốn nhàn rỗi đang nằm ngoài ngân hàng dưới dạng vàng, ngoại tệ.
"Một thông điệp không kém quan trọng khác đó là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần cam kết để dân chúng hiểu rõ lạm phát năm tới sẽ kiểm soát được, và có lộ trình giảm dần lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế", ông Hưởng nói thêm.
Một cựu quan chức tâm huyết với ngành ngân hàng cho rằng bên cạnh nỗ lực của các ngân hàng trong việc tái cơ cấu chính mình, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những cam kết mạnh mẽ hơn để lấy lại niềm tin của dân chúng với hệ thống ngân hàng.
"Ngày trước người dân bình thường không dám tới ngân hàng vì nghĩ nơi đó quá cao xa, không dành cho mình. Phải mất nhiều năm và rất nhiều công sức, ngành ngân hàng mới thu hẹp khoảng cách với dân chúng. Giờ đừng để ngân hàng lại trở thành ông ngáo ộp, một kẻ vừa đáng sợ vừa đáng ghét", vị chuyên gia này nói.
Nguồn tin: Vnexpress