Tín dụng bí đầu ra khiến các ngân hàng đang chuyển sang đầu tư trái phiếu Chính phủ, tìm nơi trú ẩn an toàn. Việc này đồng nghĩa Chính phủ đang phải đứng ra gánh một phần lãi suất chi trả cho các ngân hàng, trong khi nguồn vốn đưa vào sản xuất chưa được khơi thông.
Không cho vay được vốn, tiền ngân hàng đang chảy vào đầu tư trái phiếu. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Tắc đầu ra
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến ngày 21/3, tín dụng giải ngân chỉ tăng 0,03%, trong khi huy động tăng 3,86% so với thời điểm ngày 31/12/2012.
Trong tổng vốn mà ngân hàng giải ngân, lượng đầu tư vào mua trái phiếu Chính phủ khá lớn. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB, thừa nhận nhiều ngân hàng phải đấu thầu trái phiếu Chính phủ để giải bài toán tắc vốn tín dụng.
Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, năm 2012 Vietinbank đứng đầu danh sách 10 tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ với 20.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần tổng lượng tiền mà ngân hàng này đã đầu tư trong 3 năm 2009 - 2011.
Đứng ở các vị trí tiếp theo về lượng tiền rót vào trái phiếu Chính phủ là BIDV, Agribank, MBBank, Vietcombank, Maritime Bank và Techcombank. Trừ Techcombank chỉ hơn 6.000 tỷ đồng, các ngân hàng còn lại đều chi từ 12.000 - 17.000 tỷ đồng để đầu tư vào các loại giấy tờ có giá này.
Tính chung, năm 2012, bảy ngân hàng này mua tới 60% lượng trái phiếu Chính phủ phát hành ra thị trường, 40% lượng trái phiếu còn lại được 29 ngân hàng, tổ chức tài chính khác mua. Lượng tiền tất cả các ngân hàng đổ vào trái phiếu Chính phủ cao gấp 1,5 lần tổng lượng tiền của năm 2009 - 2011.
Tăng nợ công nhưng vốn không vào sản xuất
Xu hướng dùng tiền mua trái phiếu của các ngân hàng quý I/2013 không giảm. Tính đến 15/3/2013, lượng trái phiếu Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh phát hành đã lên tới 43.000 tỷ đồng. Trong đó, có 40.107 tỷ đồng là trái phiếu của Kho bạc Nhà nước, 1.445 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng Phát triển và 1.400 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tỷ lệ trúng thầu tại các phiên đấu thầu đạt khá cao, 99,3% trong 2 tuần đầu tháng 3/2013. Các NHTM vẫn là khách hàng chính, chiếm tới 89% giá trị trúng thầu. Nếu so với kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ trong quý I của Kho bạc Nhà nước, tổng mức phát hành đã vượt tới hơn 13.000 tỷ đồng so với dự kiến (kế hoạch quý I là 30.000 tỷ đồng).
Đại diện một ngân hàng cổ phần cho rằng, hiện lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm đang gia tăng khá mạnh. Nếu tại phiên đầu tháng 3, lãi suất mới ở 8,24%/năm thì đến phiên ngày 27/3 đã tăng lên tới 9,7%/năm.
Đây là mức đáng để đầu tư nếu tính mức lãi suất huy động bình quân khoảng 7,5% hiện nay, thì ngân hàng vẫn có lời.
“Đặc biệt, phần lãi suất phải trả cho người gửi tiền ngân hàng giờ có Nhà nước trả hộ, trong khi nguồn vốn đảm bảo thu hồi được. Tất nhiên, đây là cách lựa chọn bất đắc dĩ, vì bản chất vốn vẫn không đi vào sản xuất, nên không có lợi cho nền kinh tế” - vị này nói.
TS Vũ Đình Ánh cho rằng lý do khiến các ngân hàng chuyển hướng dòng vốn vào đầu tư trái phiếu dễ thấy là với loại giấy tờ có giá này, khi cần các NHTM có thể thế chấp vay vốn lẫn nhau hoặc tái chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước.
“Tăng trưởng tín dụng chậm, vấn đề nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro lớn là nguyên nhân khiến trái phiếu Chính phủ được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn nếu so với các kênh đầu tư khác là bất động sản, vàng, chứng khoán”, ông Ánh nói.
Theo kế hoạch của Kho bạc Nhà nước, tổng lượng trái phiếu Chính phủ dự kiến phát hành năm 2013 là 150.000 tỷ đồng, bao gồm bù đắp bội chi ngân sách 90.000 tỷ đồng, đầu tư các dự án, công trình giao thông thủy lợi… 60.000 tỷ đồng. Một đại diện Bộ Tài chính cho biết các phiên đấu thầu gần đây liên tục thành công và lãi suất mỗi phiên có xu hướng giảm. |
Nguồn tin: TP