Nếu như năm 2017 đánh dấu một năm “đen tối” đối với ngành thép, năm 2018 là một năm lao đao đối với ngành nhựa khi thị trường bấp bênh, đầu vào nguyên liệu bị hạn chế, sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nhựa nước ngoài, cổ phiếu lao dốc và chưa có dấu hiệu phục hồi ổn định…
Cạnh tranh và thâu tóm
Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vừa nổ ra, đã có ý kiến dự báo cho rằng điều này sẽ tạo ra cơ hội lẫn thách thức cho các nhà sản xuất nhựa trong nước. Theo đó, sẽ đem đến lợi ích cho người tiêu dùng và mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất nhựa xuất khẩu nhờ giá nguyên liệu giảm.
Dự báo này không phải là không có cơ sở, khi cán cân xuất nhập khẩu của ngành nhựa Việt Nam với Trung Quốc chiếm tỷ trọng nhỏ, trong khi Việt Nam là nước xuất siêu sản phẩm nhựa sang Mỹ với tỷ trọng khá lớn (Việt Nam xếp thứ 17 về xuất khẩu nhựa sang Mỹ). Nhưng đó chỉ là cách nhìn một chiều.
Cuối tháng 9-2018, giá trị lượng hàng nhựa, cao su của Trung Quốc (một trong nước đi đầu trong xuất khẩu cao su và sản phẩm nhựa vào Mỹ) bị Mỹ áp thuế lên đến khoảng 10 tỷ USD. Do đó, việc các doanh nghiệp nhựa của Trung Quốc buộc phải chuyển hướng để tìm kiếm thị trường khác là điều tất yếu.
Cùng với đó, một kịch bản khác được đưa ra, nếu Trung Quốc đem 10 tỷ USD hàng nhựa và cao su vào Việt Nam, thách thức cho các nhà sản xuất nhựa trong nước là không hề nhỏ. Doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, khi họ gia tăng đầu tư để đội lốt nhãn mác của Việt Nam, nhằm tránh đòn thuế của phía Mỹ ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài.
Song trên thực tế, làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất vào thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp nhựa Trung Quốc, nhằm giảm chi phí lao động đang tăng cao của Trung Quốc đã diễn ra trong 5-7 năm qua, dưới hình thức vốn FDI và cả FII, xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh hơn trong thời gian tới. Không chỉ có sức ép cạnh tranh từ nhà đầu tư Trung Quốc, hiện nhiều nhà đầu tư ngoại cũng nhắm đến mục tiêu thâu tóm các doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành nhựa ở Việt Nam.
Sau rất nhiều lần theo đuổi các thương vụ mua cổ phiếu CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), Tập đoàn Ximăng Siam (SCG) của Thái Lan đã chính thức phát thông báo tỷ lệ sở hữu tại BMP là 51,1%.
Trước đó, cũng tập đoàn này đã sở hữu trên 20% vốn tại CTCP Nhựa Tiền Phong, và chi ra hơn 44 triệu USD để thâu tóm CTCP bao bì Tín Thành. Sau khi thâu tóm BMP rất mạnh trong lĩnh vực nhựa xây dựng và Tín Thành là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực bao bì phức hợp, SCG đã nâng nhà máy sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lên con số 4 và tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh bao bì tại Việt Nam, do trong nhiều năm nay tiềm năng của lĩnh vực này có tốc độ tăng trưởng khoảng 6%/năm… Đó chỉ là một vài trong số các thương vụ thâu tóm đình đám diễn ra trong thời gian qua.
Nếu như trước đây ngành nhựa trong nước chỉ có những công ty quy mô nhỏ, giờ đây nhiều doanh nghiệp trong số ấy đã lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào thị trường, không khỏi e ngại vì ngành nhựa Việt Nam đang đứng trước sức ép cạnh tranh gay gắt và nhiều công ty vẫn đang lần lượt rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Sẽ là năm không “thuận buồm xuôi gió”
Hiệp định thương mại tự do EVFTA được hứa hẹn mở ra cơ hội xuất khẩu sản phẩm nhựa, bởi bao bì nhựa Việt Nam đã có lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU do không bị đánh thuế chống bán phá giá từ 4-30%. Sau khi EVFTA có hiệu lực, rào cản thuế quan gỡ bỏ, lợi thế xuất khẩu nhựa của Việt Nam càng lớn. Song để đạt được điều đó, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam vẫn còn phải trải qua một lộ trình dài.
Thực tế, năm 2018 là một năm đầy khó khăn với ngành nhựa, điều này đã kéo cổ phiếu ngành nhựa đi xuống và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Ở phân khúc nhựa xây dựng, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh, NTP của Nhựa Tiền Phong giảm 30% trong năm 2018. Có thời điểm, giá BMP đã giảm gần một nửa. Giá cổ phiếu ngành nhựa bao bì như SPP của Bao bì Nhựa Sài Gòn cũng không khá hơn, thậm chí, giá SPP đã ở dưới mệnh giá.
Cả BMP lẫn NTP là 2 tên tuổi dẫn đầu ngành nhựa xây dựng Việt Nam nên có khả năng nắm bắt cơ hội từ thị trường. Hơn nữa, xu thế ngành nhựa là dịch chuyển từ nhựa bao bì và dân dụng sang nhựa xây dựng, nhựa kỹ thuật. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng của nhựa xây dựng là 60%, cao nhất trong các nhóm ngành nhựa. Dẫu vậy, những dự báo và khuyến nghị của giới đầu tư đối với mã cổ phiếu của các công ty này cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu.
Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể, cổ phiếu của ngành nhựa đa phần vẫn là gam màu xám. Gam màu xám này có được cải thiện hay không và cải thiện ở tầm mức nào còn phụ thuộc rất nhiều vào những biến động của thị trường thế giới đang tác động đến ngành nhựa, nhất là năm 2019 được dự báo sẽ không mấy “thuận buồm xuôi gió” đối với kinh tế thế giới nói chung.
Nguồn tin: Sài gòn đầu tư