Tại Hội nghị gang thép Trung Đông diễn ra mới đây tại Dubai, nhiều sự quan ngại về tương lai của ngành sản xuất thép khu vực và thế giới được đặt ra khi giá thành nguyên liệu đầu vào tăng vọt, khiến nhiều tập đoàn, công ty trong ngành phải liên tục cắt giảm sản xuất, chi phí vận hành.
Các nhà sản xuất thép trong khu vực Trung Đông và nhiều quốc gia trên thế giới đang cắt giảm chi phí sản xuất để đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự biến động về tiền tệ và giá cả, cũng như là các mối đe dọa từ sự cạnh tranh thị trường quốc tế.
Cụ thể điển hình nhất là công việc làm ăn thất bát của công ty Hadeed tại Ả-Rập Thống Nhất. Theo báo cáo tài chính nội bộ từ tập đoàn mẹ là Sabic vào cuối tháng 8/2016, công ty gang thép Hadeed đã có mức thua lỗ lên tới 104.5 triệu USD chỉ trong 6 tháng đầu năm.
“Do đó, Hadeed đã cắt chi phí sản xuất cố định xuống 10% để có thể sống sót qua thời kì khó khăn này”, ông Abdulaziz Sulaiman Al Humaid, Đại diện Quản lý Sản xuất Vật liệu của Sabic cho biết.
Chịu chung số phận đó là Unicoil, một nhà sản xuất thép và nhôm cuộn lớn tại Ả-Rập Xê-út, đã cắt giảm chi phí vận hành bằng một phần tư trong năm nay. Abdullah Al Ajaji, giám đốc điều hành của tập đoàn cho biết: “Hiện tại, chúng tôi gặp phải rất nhiều các khoản thanh toán bị trì hoãn từ khách hàng trong khu vực, do đó mọi khoản vay dành cho việc đầu tư các dự án mới của chúng tôi đều phải cực kì thận trọng”.
Theo đó, các nhà máy sản xuất thép tại các Tiểu vương quốc Ả-Rập đã cắt giảm hơn 30% chi phí sản xuất so với 3 năm trước để có thể bán được sản phẩm mà vẫn có được lượng lợi nhuận ít ỏi, ông Saeed Al Remeithi – Giám đốc quản lý sản xuất thép khu vực Abu Dhabi phát biểu trong Hội nghị gang thép Trung Đông diễn ra ở Dubai ngày 13/12.
Đồng thời, những nhà sản xuất thép trên cũng đã buộc phải tự cắt giảm số lượng nguyên liệu đầu vào trong 1 năm vì giá thành của nguyên liệu thô như than cốc hay quặng sắt tăng lên gấp đôi.
Tại Anh, đầu năm 2016, Tập đoàn sản xuất thép Tata của Ấn Độ đã thực hiện việc cắt giảm hơn 15 nghìn công nhân. Trước đó, vào năm 2015, nhà máy của tập đoàn này cũng đã thực hiện cắt giảm nhân sự đối với hơn 720 người vào đợt 1 và 1.2 nghìn người vào đợt 2.
Trong khi đó, nhà máy thép của công ty SSI của Thái Lan vào tháng 3/2016 cũng đã thông báo rằng họ đang thực hiện thủ tục đóng cửa. Cùng thời điểm đó, các nhà máy của Caparo Industries xa thải hơn 1.7 nghìn nhân viên để cắt giảm chi phí và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Giá thép thế giới xuống thấp ở mức xấp xỉ 300 USD/tấn (Ảnh: BBC)
“Hiện nay, báo cáo thị trường đang chỉ ra rằng sự phát triển các hoạt động tài chính của những công ty sản xuất thép trên thế giới đã có sự chững lại và thậm chí là giật lùi một cách nghiêm trọng. Các nhà sản xuất thép phải tiếp tục đối mặt với những biến động lớn hơn nữa trong năm 2017 tới và buộc phải chấp nhân sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất thép quốc tế do “lá chắn” chính sách bảo hộ công nghiệp trong đang dần bị xóa bỏ”, ông Al Remeithi cho biết.
Để thấy rõ sự khủng hoảng mà ngành thép thế giới đang gặp phải, ông Al Remeithi dẫn chứng: Hơn một nửa số lượng thép tiêu thụ tại nhiều nước mà điển hình nhất là Thổ Nhĩ Kỳ được nhập khẩu từ nước ngoài vì giá cả nhập khẩu thép còn rẻ hơn chi phí để quốc gia này tự sản xuất.
Đối với các quốc gia lấy ngành sản xuất và xuất khẩu thép làm chủ lực, gần như sống dựa vào việc xuất khẩu thép như Ả-Rập Xê-ú hay các tiểu vương quốc Ả-Rập Thống Nhất, dù giá thành sản xuất bị độn lên do chi phí nguyên vật liệu tăng cao nhưng giá xuất khẩu vẫn phải giảm. Nguyên nhân là do sự cạnh tranh khốc liệt để giành thị trường dẫn đến việc “dìm” giá thép xuống thấp chưa từng thấy.
Đặc biệt, một trong những thị trường lớn của ngành sản xuất và xuất khẩu thép thế giới là Hoa Kỳ cũng đã bị thu hẹp lại do chính sách hồi sinh công nghiệp thép Hoa Kỳ để “tự cung tự cấp” được tân Tổng thống Donald Trump phát động. Điều này góp phần thu nhỏ thị trường xuất khẩu thép thế giới và khiến các công ty sản xuất thép “khốn khổ” vì thiếu đầu ra, giá thép càng thêm giảm sút.
Tuy nhiên, có lẽ các nhà sản xuất thép tại Hoa Kỳ cũng đang lâm vào thời kỳ khó khăn giống như khu vực Trung Đông khi phải đối mặt với giá cả nguyên liệu sản xuất tăng cao. Mà theo tờ The National Bussiness gọi đó là “sự vùi dập” của ngành công nghiệp sản xuất thép do áp lực nguồn vốn tạo nên.
Mặt khác, tình trạng khủng hoảng trong ngành công nghiệp sản xuất thép như hiện nay cũng một phần do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng dư thừa thép diễn ra vào đầu năm 2016 để lại khi 1/3 số thép sản xuất vào thời điểm đó không có khả năng tiêu thụ, Bộ trưởng Kinh tế Anh, Anna Soubry cho biết. Do sự sản xuất quá mức đòi hỏi việc khai thác lớn nguyên liệu dẫn đến thời điểm cạn kiệt nguyên liệu, giá nguyên liệu tăng cao như hiện nay cộng với sự cạnh tranh ngày một khốc liệt để giành lấy thị trường thì tất yếu xảy ra khủng hoảng.
Nguồn tin: Vfpress