Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép 2017, áp lực giá đầu vào đang tăng

 Giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, thép cán nóng… sau khi tạo đáy trong tháng 12/2015 đã có diễn biến tăng cho đến nay, kéo theo sự cải thiện của giá bán trong nước. Nếu quản trị tốt hàng tồn kho, biên lợi nhuận của nhiều công ty có thể được mở rộng, lợi nhuận tăng đột biến trong năm nay.

Cơ hội lớn

Ngoài yếu tố nguyên liệu, sự cải thiện của giá bán trong nước còn đến từ 2 yếu tố khác khá quan trọng, là nhu cầu tiêu thụ tăng và sự hỗ trợ từ các loại thuế tự vệ thương mại đối với các sản phẩm thép nhập khẩu trong thời gian qua.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2016, tổng sản lượng tiêu thụ thép các loại trong nước đạt hơn 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015.

Thị trường bất động sản hồi phục và sự gia tăng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng là những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Năm 2017, VSA dự báo, tăng trưởng ngành thép sẽ đạt khoảng 12%.

Tuy nhiên, khác với năm 2016, giá nguyên liệu thép trong thời gian gần đây tăng nhanh và mạnh hơn. Điều này có thể tạo e ngại biến động lớn có thể xảy ra trong năm nay, dù triển vọng chung đối với giá thép thế giới đang khá lạc quan, chủ yếu đến từ kỳ vọng Trung Quốc (quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới) cắt giảm sản lượng.

Trước tình trạng dư cung cũng như ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, mới đây, Trung Quốc đặt ra mục tiêu cắt giảm 50 triệu tấn thép và hơn 150 triệu tấn than trong năm 2017, theo thông tin từ Reuters.

Định hướng đến năm 2020, năng lực sản xuất thép và than của Trung Quốc sẽ giảm lần lượt 100 - 150 triệu tấn và 800 triệu tấn. Nếu DN thực hiện việc quản trị hàng tồn kho không tốt, giá thép biến động mạnh có thể là rủi ro.

Sản phẩm thép của Trung Quốc đang chịu sức ép tại các thị trường lớn, đặc biệt gần đây là Mỹ, khi liên tiếp bị áp các loại thuế chống bán phá giá. Đây có thể là cơ hội cho các công ty thép Việt Nam. Hai DN thép lớn trên sàn là HPG và HSG đang có những động thái đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường này.

Thách thức và hiện trạng giá cổ phiếu

Trong khi sản lượng chưa thể cắt giảm nhanh, nguy cơ thép giá rẻ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam là khó tránh khỏi, dù nước ta vẫn đang áp dụng các biện pháp bảo hộ như thuế tự vệ thương mại từ năm 2016.

Thực tế, trong năm 2016, ngoài phôi thép (nhập khẩu chiếm khoảng 13% thị phần) thì các sản phẩm tôn mạ cũng đang nhập khẩu cao (khoảng 50% thị phần). Thép hợp kim nhập khẩu hơn 8,1 triệu tấn, trong đó có khoảng 1,9 triệu tấn thép dài có thể đã được sử dụng như thép xây dựng thông thường.

Dù chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, nhưng hiệu quả của đa số DN ngành thép năm 2016 rất tích cực. Tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ở một số DN lên tới 40%, cá biệt SMC đạt đến 79,3%. Ở mức thấp hơn, nhiều DN vẫn có tỷ lệ này trên 10%.

Tuy vậy, cổ phiếu các DN trong ngành đang được định giá ở mức thấp hơn thị trường, nếu so sánh theo chỉ tiêu P/E. Trong khi P/E toàn thị trường khoảng 14 lần, thì P/E bình quân của khối DN ngành thép là 6,9 lần.

Cơ hội đầu tư cụ thể tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người, nhưng dường như năm 2017 đang mở ra cho khối DN ngành thép một triển vọng sáng hơn theo các diễn biến thực tế của nền kinh tế và thị trường cạnh tranh lân cận.

Nguồn tin: ĐTCK

ĐỌC THÊM