Dù được cảnh báo từ trước nhưng đến nay, ngành thép vẫn đang rơi vào tình cảnh bi đát khi nguồn cung dư thừa quá lớn và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong khi đó, giải pháp hiệu quả để cứu nguy cho ngành thép là tìm hướng xuất khẩu cũng không dễ dàng. Mùa cao điểm xây dựng đang cận kề, thế nhưng, thay vì đẩy mạnh sản xuất để chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường, hầu hết các nhà máy sản xuất thép lại đang co cụm, giảm mạnh công suất. Nằm trong số doanh nghiệp (DN) sản xuất thép có uy tín với sức tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn mỗi tháng trên thị trường, song trong những tháng gần đây, Công ty cổ phần Thép Pomina đã phải lựa chọn giải pháp cắt giảm 50% công suất do sức tiêu thụ chậm. Tương tự, một cán bộ Phòng Thị trường Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) tại TPHCM cho biết, khoảng 2-3 tháng qua, mức tiêu thụ thép của DN giảm 50%, buộc đơn vị phải sắp xếp giảm sản lượng để tránh tồn kho, chôn vốn. Bên ngoài thị trường, hầu hết các DN, cửa hàng kinh doanh thép đều trong cảnh chợ chiều. Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Công ty DV TM Hoàng Hùng, chuyên kinh doanh mặt hàng thép cho biết tại quận 12, từ đầu năm đến nay, nhu cầu xây dựng khu vực này giảm mạnh. Lượng thép bán ra của DN trong 3 tháng gần đây giảm trên 60%. Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ ước đạt 2,14 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010. Chưa kể, mức tồn kho thành phẩm tháng 5 vào khoảng 320.000 tấn, phôi thép chuẩn bị cho sản xuất tháng 6 là 520.000 tấn. Ngoài ra, tổng lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu vào Việt Nam đến nay đã vượt trên 3 triệu tấn. Giám đốc một DN sản xuất thép đưa ra nhận định, với sản lượng thép tồn kho hiện có của các DN, tổ hợp sản xuất trong nước, cộng thêm lượng thép nhập khẩu tồn kho, có thể sử dụng đủ đến hết quý 3-2011 mà không cần sản xuất thêm. Đó là lý do khiến hàng loạt DN sản xuất thép trong nước buộc phải cắt giảm công suất thiết kế hoặc ngừng sản xuất thép thời gian gần đây. Đại diện Vnsteel và Pomina đều cho rằng, nguyên nhân khiến sức tiêu thụ thép chậm là do “cầu” giảm, trong đó ảnh hưởng khá nặng nề do lạm phát kéo dài, lãi suất liên tục tăng cao cũng như tác động khá mạnh mẽ của một loạt dự án đầu tư công bị cắt giảm theo tinh thần Nghị quyết 11. Để thoát khỏi những khó khăn hiện tại, nhiều DN thép đang tìm kiếm, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu nhưng chưa mang lại hiệu quả do gặp một số khó khăn trong kinh doanh và cơ chế chính sách. Trong khi đó, lãi suất trong nước hiện quá cao, cộng thêm công suất các nhà máy sản xuất thép đang giảm mạnh khiến sức ép cạnh tranh giá càng khó. Cụ thể, hiện tại, sản phẩm sắt thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Australia. Trong khi những nước này xuất khẩu sắt thép với sản lượng rất lớn, lại được ưu đãi về thuế, nên khi ra thị trường thế giới, giá sản phẩm rất cạnh tranh. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu với số lượng nhỏ, lại chưa được hỗ trợ về thuế, nên khả năng cạnh tranh chưa cao. Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, lâu nay các nước đều có chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành thép. Nếu chưa hỗ trợ được xuất khẩu thì không nên đánh thuế, vì áp thuế trong thời điểm này sẽ chặn đường thép xuất đi, gây tồn ứ lớn thép trong nước. Trước tình hình này, VSA kiến nghị, Chính phủ nên tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu thép để giảm thiểu tỷ lệ nhập siêu, vì năm ngoái nhập siêu ngành thép đã 6 tỷ USD. Bởi với tiềm năng, lợi thế đang có và cộng thêm sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là về chính sách thuế, chắc chắn việc xuất khẩu thép Việt sẽ dần tìm được vị trí tương xứng, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo VSA, hiện nay cả nước có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100.000 tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án của Tổng Công ty Thép Việt Nam quản lý). Trong đó, có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Trong số này, chỉ 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn lại 32 dự án do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch.
Dây chuyền sản xuất thép tại Nhà máy Thép miền Nam. Ảnh: Thanh Tâm
Trong khi đó, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngoài các DN có thương hiệu uy tín, sản xuất với công suất lớn phải cắt giảm trên dưới 50% công suất, nhiều nhà máy thép nhỏ hiện chỉ vận hành cầm chừng ở mức 30%-40% công suất thiết kế, số khác phải ngừng hẳn. Trong khi đó, theo ước tính của VSA, tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2011, tổng sản lượng thép xây dựng sản xuất của cả nước khoảng 2,21 triệu tấn, tăng 281.000 tấn, tương ứng 14%.
Ông Đỗ Duy Thái Tổng, Giám đốc Pomina cho biết, DN đã có nhiều bài học kinh nghiệm xuất khẩu thép sang thị trường Campuchia, Lào… Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu qua các thị trường này còn khá khiêm tốn, đặc biệt thời điểm hiện nay càng khó khăn hơn. Để xuất khẩu được thép trong nước sang các nước này phải chật vật cạnh tranh về giá.
Đại diện VSA cho rằng, vừa qua, Bộ Công thương có tờ trình Chính phủ đánh thuế xuất khẩu thép từ 1,5%-3% với lý do ngành thép tiêu thụ điện nhiều. Mặc dù tỷ lệ điện trong giá thành thép chỉ khoảng 1,2% nhưng điều này càng gây khó khăn cho xuất khẩu thép.
Năm 2010, ngành thép xuất khẩu đạt khoảng 1,3 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2011 đạt 880 triệu USD chủ yếu vào thị trường Campuchia, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Lào, Australia… Tuy nhiên, cùng thời điểm này, Việt Nam nhập khẩu 7,1 tỷ USD các sản phẩm liên quan đến thép.
Nguồn tin: SGGP