Tổng kết 8 tháng năm 2012, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết sản lượng thép xây dựng đạt 2.984.854 tấn, bán ra 2.945.729 tấn, giảm tương ứng 10,2% và 9,75% so với cùng kỳ 2011. Trong khi đó, tổng công suất của tất cả nhà máy thép trong nước đang ở mức 11.940.000 tấn/năm.
Tuy nhiên trên thực tế điều này đang không diễn ra đúng theo quy luật. Trong khi đó, thép nước ngoài tiếp tục được nhập vào ngày càng tăng, đặc biệt là thép Trung Quốc tăng rất mạnh so với năm 2011.
Do tình hình chung nhiều bất lợi nên nhiều doanh nghiệp (DN) đã phá giá sản phẩm, bán thấp hơn giá thị trường và chấp nhận lỗ để bán được hàng. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động của các DN khác. Đồng thời, những tháng gần đây, nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép luôn tăng cao khiến DN thép đã khó lại càng khó thêm.
Trước tình hình như vậy, văn phòng đại diện của Tập đoàn Thép Posco (Hàn Quốc) đã gửi đề xuất lên Chính phủ Việt Nam xây dựng hàng rào phi thuế quan đối với hoạt động nhập khẩu thép vào Việt Nam. Theo tập đoàn này, hiện nay, các nước lân cận như Malaysia, Thái Lan, Indonesia đều đang áp dụng hàng rào phi thuế quan để ngăn chặn nhập khẩu thép từ Việt Nam, yêu cầu nhà xuất khẩu phải đăng ký và chứng nhận chất lượng rất phức tạp.
Do đó, phía Việt Nam cũng cần tiến hành những biện pháp tương tự để hỗ trợ các nhà sản xuất ở Việt Nam. Cùng mục tiêu vực dậy ngành thép trong nước, vào giữa tháng 9, VSA đã gửi công văn đến các thành viên trong hiệp hội, yêu cầu phối hợp giữ giá để tránh đẩy một số DN vào tình trạng lỗ nặng hoặc phá sản.
Theo VSA, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các DN cần phải chia sẻ gánh nặng, hỗ trợ lẫn nhau để tìm đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể, hiện tại, các DN nên cắt giảm bớt sản lượng để cân đối cung cầu trong thời gian tới. Bởi khi mỗi DN vẫn đi riêng một đường, tự ý tăng sản xuất thì tình trạng lượng hàng ứ đọng lớn, tồn kho cao và bán tống bán tháo, tình trạng các DN thua lỗ không chỉ diễn ra ở năm nay mà sẽ tiếp diễn ở những năm sau.
Tuy nhiên, mỗi DN lại có khả năng tài chính, năng lực sản xuất khác nhau nên muốn các DN đồng lòng thì ngoài VSA, cần có hỗ trợ từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan để tạo điều kiện cho DN có cơ hội gặp gỡ, bàn bạc, đề xuất ý kiến, đóng góp giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Các buổi gặp gỡ, thảo luận này cũng sẽ là cơ hội để các DN được dịp trao đổi về kỹ thuật công nghệ, hợp tác ở những lĩnh vực còn thiếu và yếu để giảm hao phí, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.
Nguồn tin: ĐTTC