Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép càng lớn - gánh nặng càng nhiều

Những dự án thép trị giá hàng tỉ đô la Mỹ đang dần biến Việt Nam thành nơi tập kết của những cơ sở sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng và có sức tàn phá lớn về môi trường.

 

 

 

 

Ngành thép gây sức ép lên ngành điện

 

Mười năm trước, lĩnh vực sản xuất không phải là khách hàng lớn nhất của ngành điện, khi mức tiêu thụ điện chỉ chiếm khoảng 40% tổng sản lượng của toàn hệ thống. Nhưng nay tình hình đã khác hẳn.

Số liệu thống kê sáu tháng đầu năm 2010 của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tỷ lệ điện cấp cho công nghiệp và xây dựng đã vọt lên 51,65%, trong đó chỉ riêng năm năm vừa qua, mức tiêu thụ điện của khu vực này đã tăng gần 7 điểm phần trăm.

Thoạt nhìn, đây là dấu hiệu tích cực bởi nó phản ánh cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch dần sang khu vực công nghiệp - xây dựng. Nhưng trên thực tế, phần đóng góp của công nghiệp, xây dựng hiện chỉ chiếm 42,6% giá trị tăng thêm của GDP, thì sự gia tăng về tỷ lệ dùng điện nói trên lại đặt ra mối lo về hiệu quả sử dụng năng lượng.

 

Trong hơn một thập kỷ qua, tốc độ gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của Việt Nam thường cao hơn so với mức tăng giá trị sản lượng của công nghiệp. Đây là bằng chứng rõ nét cho thấy cường độ tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp đang tăng quá mạnh và đó là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế.

Hơn nữa, trong khi giá trị tăng thêm của ngành này những năm vừa qua có chiều hướng giảm, trong khi mức cầu năng lượng lại tăng cao, càng cho thấy rõ hiệu quả sử dụng năng lượng đang giảm sút nhanh chóng. Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, cho rằng tình trạng trên là do thời gian qua Việt Nam đã phát triển quá mức những ngành thâm dụng năng lượng, nhưng giá trị gia tăng thấp, mà điển hình là ngành luyện cán thép.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng công suất của các dự án thép đã được cấp giấy phép đầu tư đến nay lên đến 40 triệu tấn. Nhiều khả năng con số này sẽ chưa dừng lại, vì hiện vẫn còn một số chủ đầu tư đang xin mở rộng quy mô công suất dự án.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết với trình độ công nghệ của ngành thép Việt Nam như hiện nay, để sản xuất được một tấn thép xây dựng thành phẩm từ phế liệu hoặc quặng sắt, bình quân phải tiêu tốn khoảng 700 kWh điện. Như vậy, muốn đáp ứng đủ nhu cầu điện để sản xuất 40 triệu tấn thép cho các nhà máy đang xây dựng, Việt Nam phải sản xuất thêm ít nhất 30 tỉ kWh điện (tính cả phần tổn thất), tương đương gần 40% sản lượng của cả hệ thống điện Việt Nam hiện nay.

Về nguyên tắc, Việt Nam phải bảo đảm cung ứng đủ nguồn điện theo nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, cho rằng nếu mức độ tiêu thụ năng lượng tăng quá mạnh, thì rất khó để đáp ứng nhu cầu. Ông nói: “Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng. Vì vậy, nếu một ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng, mà hiệu quả kinh tế, xã hội mang lại thấp, thì không nên làm”.

Hiệu quả có tương xứng ?

Với 40 triệu tấn thép từ các nhà máy sẽ ra đời trong tương lai, chắc chắn ngành này phải hướng đến thị trường xuất khẩu. Đây cũng là hướng đi chính của những nhà đầu tư lớn nước ngoài khi quyết định xây nhà máy thép ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra là chúng ta có nên cho ra đời ồ ạt những dự án thép lớn để xuất khẩu không, hay chỉ cần phát triển vừa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Để trả lời cho câu hỏi này, cần phân tích vào hiệu quả mà các dự án thép có thể mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.

Nếu sản xuất thép từ phôi nhập khẩu, thì hiệu quả rất thấp. Theo ông Phạm Chí Cường, chi phí phôi chiếm tới hơn 90% giá thành thép xây dựng. Nếu trừ đi phần khấu hao máy móc thiết bị và dầu, là những yếu tố đầu vào phải nhập khẩu, thì giá trị tăng thêm không đáng kể. Trong khi đó, hiệu quả sản xuất từ phế liệu và quặng sắt cao hơn, với phần nguyên liệu chỉ chiếm 60-70% tổng chi phí, nhưng mức tiêu hao năng lượng cũng như khấu hao cũng lớn hơn, trong đó năng lượng chiếm tới 10% giá thành.

Tóm lại, ngành thép, cho dù quy trình sản xuất đi từ quặng sắt, thì cũng mang nặng dáng dấp của ngành công nghiệp gia công. Bởi lẽ hầu hết những thành phần đầu vào, từ quặng cho đến máy móc thiết bị đều phải nhập khẩu. Ngay đến điện để cung cấp cho các dự án thép lớn, Việt Nam cũng sẽ phải nhập, thông qua việc mua than từ nước ngoài về để chạy các nhà máy nhiệt điện.

Hơn nữa, thép không phải là ngành có mức độ lan tỏa cao vì hoạt động của ngành này khá độc lập, không cần sự hỗ trợ của nhiều lĩnh vực công nghiệp phụ trợ khác, nên nó sẽ không giúp ích nhiều cho sự phát triển của ngành công nghiệp nói chung.

Lẽ đương nhiên, những dự án thép xuất khẩu khổng lồ ra đời sẽ góp phần đáng kể tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị thực từ việc xuất khẩu này mang lại cho nền kinh tế, sau khi trừ đi phần phải nhập, sẽ không lớn. Trong khi đó gánh nặng mà nó mang lại cho nền kinh tế thì không nhỏ. Ngoài việc gia tăng sức ép về cung - cầu năng lượng, đe dọa đến vấn đề an ninh năng lượng của quốc gia, sự phát triển quá mức cần thiết của ngành này còn để lại những di hại về môi trường.

Cứ sản xuất mỗi tấn thép từ quặng sắt, sẽ thải ra môi trường 1-1,2 tấn xỉ quặng và nhiều loại khí, bụi gây ô nhiễm môi trường khác. Bên cạnh đó, việc đốt than chạy các nhà máy nhiệt điện để cung cấp năng lượng cho ngành thép cũng gây tác hại môi trường không nhỏ. Ông Nguyễn Thành Sơn cho biết, chỉ riêng xỉ cứng thải ra từ việc đốt than đã lên đến 30% lượng than đưa vào lò. Đó là chưa tính đến lượng tro bay và khí SOx, NOx… là những chất khí có thể kết hợp với nước gây ra hiện tượng mưa axít.

Ông Sơn khẳng định, Việt Nam không nên phát triển những ngành thâm dụng năng lượng, như thép, xi măng…thành công nghiệp xuất khẩu. Ông nói: “Các nguồn năng lượng như dầu khí, than đá sắp cạn. Thủy điện cũng phát triển gần tới hạn, thì chúng ta phải tập trung phát triển những ngành ít tiêu thụ năng lượng nhưng có hiệu quả cao. Đây mới là hướng phát triển bền vững của nền kinh tế”.

Theo ông, Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với khả năng năng lượng của mình và việc thay đổi này phải bắt đầu từ khâu quy hoạch. Suy cho cùng, những ngành thâm dụng năng lượng, nhưng giá trị gia tăng thấp, chỉ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam sự tăng trưởng về chiều rộng. Trong khi đó, việc chấp nhận quá dễ dãi những dự án luyện, cán thép lớn đang biến Việt Nam thành nơi tập kết của những nhà máy sản xuất tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm nặng, vốn đang bị nhiều quốc gia khác tìm cách loại bỏ, chuyển sang những nước kém phát triển hơn.

 

TBKTSG

ĐỌC THÊM