Tình trạng giá phôi thép và thép phế trên thị trường thế giới tăng liên tiếp trong thời gian qua cùng với việc tăng giá xăng dầu, điện than... từ đầu tháng đến nay khiến giá bán thép xây dựng trong nước đã nhảy sóng liên tục. Các DN sản xuất thép nhận định như thế nào về thị trường thép năm 2010, DĐDN có cuộc trao đổi ngắn với ông Choung Ku Weil - Tổng giám đốc công ty BlueScope Steel.
- Ông có nhận định như thế nào thị trường thép đã có nhiều đợt chỉnh giá trong thời gian vừa qua ? Đúng là thị trường thép đã có những biến động dù những ngày đầu năm, kể từ đầu tháng đến nay, giá phôi thép trên thị trường thế giới chào bán vào VN tiếp tục tăng từ 15 - 20 USD/tấn, ở mức 530 - 535 USD/tấn và thép phế ở mức từ 400 - 450 USD/tấn.
Giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng mạnh nhưng nguồn cung rất hạn chế do tình hình kinh tế các nước đã bắt đầu hồi phục, nhu cầu cho xây dựng ngày càng tăng cao. Điều này thể hiện, năm 2010 sẽ là một năm biến động của thị trường thép. Ngoài giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng mạnh thì ở trong nước, giá than, giá điện, xăng dầu và chi phí vận chuyển cũng đã đồng loạt tăng kể từ đầu tháng đến nay nên việc tăng giá bán sản phẩm đầu ra là điều khó tránh khỏi.
Với giá điện tăng thêm 6,3%, chi phí điện để sản xuất phôi thép sẽ tăng thêm khoảng 50.000 đồng/tấn, toàn ngành thép phải chi thêm khoảng 140 tỷ đồng. Mặc dù ít tiêu hao điện hơn sản xuất phôi, nhưng các nhà máy cán thép thành phẩm cũng phải chi thêm khoảng 60 tỷ đồng cho kế hoạch sản xuất khoảng 5 triệu tấn thép trong năm 2010.
- Vậy theo ông các DN thép nên chuẩn bị đón những sức ép và sóng thị trường như thế nào năm 2010 ?
Có một thực tế là giá thép trong nước chịu nhiều tác động từ chi phí đầu vào như xăng, điện, than, tỷ giá ngoại tệ... Ngoài ra, thép trong nước vẫn còn phải cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là từ các nước ASEAN được nhập khẩu miễn thuế. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép, phôi thép, nhất là các nhà máy sử dụng công nghệ cũ, tính toán lại chi phí sản xuất để có phương án đổi mới công nghệ, cân bằng chi phí, tránh gây tác động lớn lên giá thành sản phẩm.
Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép cần áp dụng các biện pháp ổn định sản xuất, củng cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh giá bán linh hoạt hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm ngay trên thị trường trong nước.
- Sức ép nhưng quy hoạch ngành thép vấn là vấn đề nóng, ông nhận định gì về vấn đề này ?
Ngành thép đã trở thành một trong số ít ngành công việc có tốc độ tăng trưởng hai con số trong năm 2009: sản xuất tăng 25%, tiêu thụ tăng hơn 30% so với năm 2008, đây là một kỳ tích sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến hàng chục nhà máy cùng ngành phải đóng cửa hoặc cắt giảm lao động. Điều đó thể hiện thị trường thép VN vẫn còn rất hấp dẫn các nhà đầu tư. BlueScope chẳng hạn, là DN FDI nhưng thị phần sản phẩm của chúng tôi 70% là thị trường nội địa, còn lại chúng tôi dùng xuất khẩu cho một số nước khác.. Để ngành thép trong nước phát triển bền vững, cần lựa chọn nhưng dự án thật sự chất lượng, đối tác nước ngoài có tiềm lực về tài chính và công nghệ. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường phải là vấn đề quan trọng không kém lợi nhuận mà các DN phải cam kết.
- Xin cảm ơn ông !
dddn