Từ đầu năm tới nay, nhu cầu sử dụng thép xây dựng nội địa và xuất khẩu luôn ở mức thấp so với kỳ vọng, dù cả trong mùa xây dựng.
Việc cạnh tranh về giá bán, thị phần, thị trường của các DN trong ngành ngày càng trở nên khốc liệt để duy trì hoạt động của nhà máy.
Sản lượng bán hàng tăng nhẹ
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 9 đạt 958.560 tấn, tăng 9% so với tháng 8 và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, mảng xuất khẩu đạt 131.744 tấn, tăng 16%. Đây là mức sản lượng thép xây dựng bán hàng trong tháng được ghi nhận cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay. Tính chung 9 tháng đầu năm, bán hàng thép xây dựng đạt 7,7 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó mảng xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn, giảm 32%. Sản xuất thép đạt 7,7 triệu tấn, giảm 22% so với cùng kỳ 2022.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép có thể tăng 80% trong năm 2024. Ảnh: Tập đoàn Hòa Phát
Là một trong những DN có thị phần lớn nhất, chiếm gần 33,3% tiêu thụ của cả nước 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 635.000 tấn thép thô, giảm 7% so với tháng 8. Bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 596.000 tấn, tăng 7% so với tháng trước. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng 8/2023.
Theo số liệu thống kê của VSA từ các đơn vị thành viên và ước số liệu tổng hợp các nhà sản xuất thép ngoài Hiệp hội Thép Việt Nam, tình hình sản xuất – bán hàng sản phẩm thép xây dựng và thép thô trong tháng 9/2023 có khởi sắc so với cùng kỳ. Nhưng tính chung 9 tháng của năm nay vẫn tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Đại diện VSA nhìn nhận, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi ở cả trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm vẫn ghi nhận một số điểm sáng về nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cơ chế linh hoạt của chính sách tài khóa và tiền tệ, giải ngân đầu tư công tăng tích cực...
Tuy nhiên nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều. "Bán hàng thép xây dựng trong tháng 9/2023 đạt mức sản lượng cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay, một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ và một số dự án khác" - đại diện VSA cho hay.
Sẽ phục hồi tốt hơn
Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research Đào Minh Châu nhận định, ngành thép mang tính chu kỳ và có nền thấp vào cuối năm ngoái. Trong năm 2022, phần lớn DN thép thua lỗ do doanh số bán hàng và giá sụt giảm.
Do đó, vị lãnh đạo này kỳ vọng những tháng cuối năm nay lợi nhuận của các DN thép mặc dù chưa quay trở lại mức trung bình lịch sử nhưng sẽ cải thiện nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, bởi những yếu tố kích cầu. Đơn cử như lượng bán hàng đã cải thiện, đặc biệt là kênh xuất khẩu, hiện giá thép chỉ mới đi ngang, chưa tăng. Các công ty không còn phải trích lập hàng tồn kho lớn như nửa cuối năm ngoái.
Dự báo, bước sang năm 2024, lợi nhuận các DN ngành thép nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất bên cạnh bán lẻ, phân bón, thủy sản. Với ngành thép, mặc dù nửa cuối năm nay lợi nhuận sẽ phục hồi nhưng nửa đầu năm nay vẫn còn ở mức nền thấp. Do vậy năm sau mức độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty sẽ tốt hơn.
“Giá thép đang ở mức thấp trong nhiều năm. Do vậy thời gian tới nhiều khả năng giá thép sẽ phục hồi mặc dù mức độ và thời gian tăng vẫn còn là yếu tố chưa rõ ràng. Tính trung bình, mức độ tăng trưởng lợi nhuận của các DN thép trong năm 2024 khoảng 70 - 80% so với năm 2023” - ông Đào Minh Châu nhận định.
Ở góc độ DN, sự phục hồi nhẹ là điều khả thi nhờ việc Chính phủ đang triển khai các dự án đầu tư công. Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Nguyễn Việt Thắng nhận định, quý IV/2023, tiêu thụ thép sẽ tốt lên nhưng không nhiều do nền kinh tế vẫn tương đối xấu. Để có sự thay đổi đột biến, ngành thép phải chờ khi nào nền kinh tế phục hồi mạnh, bất động sản và chế biến chế tạo đi lên. "Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn do đó sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Tôi nghĩ rằng khi nào lãi suất thế giới giảm thì nền kinh tế mới phục hồi”.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp lần đầu tiên kể từ đầu năm đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%); hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị