Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép chịu tác động gì trước mức thuế xuất nhập khẩu mới?

 Việc Bộ Tài chính đề xuất thay đổi thuế xuất nhập khẩu đối với thép xây dựng khiến thị trường băn khoăn các doanh nghiệp thép niêm yết sẽ chịu tác động gì?

Nhiều thay đổi về thuế xuất nhập khẩu thép

Trong Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57 năm 2020 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi vừa được hoàn thiện, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép xây dựng. Dự thảo sẽ được trình Chính phủ nghiên cứu trước khi có hiệu lực chính thức.

Theo Bộ Tài chính, giá thép cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư công và tăng chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Trong khi đó, ngành thép đã hoàn toàn tự chủ và đủ cung ứng cho nhu cầu trong nước đối với phôi thép, thép xây dựng và một số loại thép tấm, đồng thời đã xuất được ra nước ngoài. Để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, Bộ Tài chính đưa ra phương án giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép và thuế nhập khẩu một số loại sắt thép.

Cụ thể, về thuế nhập khẩu thép, Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế đối với một số mặt hàng thép gồm thép cốt bê tông thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15 từ 20% xuống 15%; thép góc, khuôn, hình thuộc nhóm 72.16 và thép có răng khía thuộc nhóm 72.13 từ 15% xuống 10%.

Đối với nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng thuộc 8 mã hàng của nhóm 72.10, mức thuế nhập khẩu kiến nghị giảm từ 20% và 25% xuống 15%.

Việc giảm mức thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nêu trên tuy có khiến giảm thu ngân sách nhà nước nhưng mức ảnh hưởng dự báo không lớn do nhu cầu nhập khẩu các loại sắt thép này hiện nay là không cao.

Bên cạnh đó, về thuế xuất khẩu phôi thép, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%. Phương án này được chấp thuận sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế được việc xuất khẩu phôi thép, giữ cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trung bình giá thép xây dựng nội địa trong quý II/2021 đạt 16,7 triệu đồng/tấn, tăng mạnh 50% so với cùng kỳ năm 2020 và 39% so với thời điểm cuối năm 2020.

Doanh nghiệp thép niêm yết chịu tác động không lớn?

Đánh giá chung, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng tác động của việc điều chỉnh thuế lần này sẽ không quá lớn đối với các doanh nghiệp thép đang niêm yết

Trong trường hợp chênh lệch giá phôi trong nước và quốc tế không quá lớn, các doanh nghiệp có thể sẽ hạn chế xuất khẩu và chuyển sang bán trong nước hoặc tập trung cán thép thành phẩm. Nguồn cung thép gia tăng sẽ phần nào tác động đến giá thép nội địa. Bên cạnh đó, mức thuế 5% đối với sản phẩm phôi thép sẽ ảnh hưởng nhẹ đến các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này. VNDIRECT nêu ví dụ, đối với HPG, nếu công ty vẫn duy trì việc xuất khẩu phôi thép như trong 6 tháng đầu năm và chịu toàn bộ phần thuế tăng lên thì lợi nhuận trước thuế có thể giảm 435 tỷ đồng (tương đương 1,3% lợi nhuận dự báo cả năm 2021 của VNDIRECT).

Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm dự kiến bị giảm thuế là không quá lớn, trong khi giá thép xây dựng Việt Nam đang thấp hơn 8% so với Trung Quốc, do đó rủi ro thép nhập khẩu cạnh tranh với thép nội địa là thấp.

Cụ thể, đối với việc tăng 5% thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép, VNDIRECT dẫn số liệu của VSA cho thấy, các doanh nghiệp thép nội địa (chỉ tính thành viên của VSA) đã xuất khẩu 748.756 tấn phôi thép vuông trong 5 tháng đầu năm 2021. Đáng chú ý, HPG là doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép vuông lớn nhất, với 560.262 tấn, trong khi TungHo là doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu phôi vuông/tổng sản lượng tiêu thụ thép của doanh nghiệp lớn nhất (22%). Như vậy, nếu mức thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5% có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến TungHo và HPG.

Đối với HPG, do việc nguồn cung thép toàn cầu thiếu hụt, công ty đã duy trì sản lượng xuất khẩu phôi thép ở mức cao trong 4 tháng đầu năm 2021 nhằm tận dụng mức giá bán và biên lợi nhuận tốt của sản phẩm. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu phôi thép của HPG đã giảm mạnh trong tháng 5-6/2021, chỉ còn chiếm dưới 8% tổng sản lượng tiêu thụ thép toàn công ty, thấp hơn đáng kể so với mức 23,2% trong tháng 1/2021 và 26% của trung bình năm 2020.

Theo ban lãnh đạo HPG, định hướng của công ty là giảm dần hoạt động bán phôi thép và tập trung tiêu thụ thành phẩm – thép dài (với biên lợi nhuận cao hơn và đã bắt đầu vận hành hết công suất kể từ tháng 3/2021) tại thị trường nội địa trong dài hạn. HPG cũng đang chạy thử nhà máy cán thép số 3 (tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất – KLHDQ, công suất 1 triệu tấn/năm) và dự kiến sẽ đi vào sản xuất thương mại trong năm nay, từ đó giúp công ty giảm áp lực phải bán bán thành phẩm – phôi thép khi năng lực sản xuất thép thành phẩm chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo phân tích của VNDIRECT, nhờ dây chuyền sản xuất linh hoạt, HPG có thể điều chỉnh sản lượng sản xuất phôi thép vuông và phôi thép dẹt (dùng để sản xuất thép cuộn cán nóng – HRC, sản phẩm mà thép Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu) ở một tỷ lệ nhất định trong 5,6 triệu tấn phôi thép tại Khu Liên hợp Dung Quất.

Do đó ,VNDIRECT cho rằng mức thuế suất xuất khẩu phôi thép nếu được áp dụng có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến HPG trong ngắn hạn, tuy nhiên mức độ tác động là không quá lớn.

Mặt khác, việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép có thể sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu bán sản phẩm này vào thị trường nội địa, khiến giá phôi thép giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, công ty xuất khẩu phôi thép vuông lớn nhất – HPG sẽ giảm sản lượng bán bán thành phẩm trong nửa cuối năm 2021 và 2022, do đó sản lượng phôi thép bán vào thị trường nội địa sẽ không đáng kể trong thời gian này.

Đối với việc giảm 5-10% thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép xây dựng, VNDIRECT cho rằng sản lượng thép nhập khẩu của Việt Nam không đáng kể bởi nhiều lý do như: tính từ đầu năm 2020, giá thép xây dựng nội địa của Việt Nam thường xuyên thấp hơn so với Trung Quốc và hiện tại đang ở mức thấp hơn 8%. Các doanh nghiệp xuất khẩu thép vào Việt Nam sẽ phải chịu thêm chi phí vận chuyển. Theo Quyết định 918/QĐ-BCT, các sản phẩm thép dài nhập khẩu vào Việt Nam đang chịu mức thuế tự vệ 7,9% từ ngày 22/03/2021- 21/03/2022, trước khi bị giảm xuống mức 6,4% từ ngày 22/03/2022-31/03/2023.

Như vậy, nếu như mức thuế nhập khẩu được giảm 5-10% thì giá thép xây dựng Việt Nam vẫn đang rẻ hơn khoảng 20% so với giá thép nhập khẩu. Cũng trong Dự thảo Nghị định của Bộ Tài chính, nhu cầu nhập khẩu đối với các sản phẩm thép dài được đề xuất giảm thuế nhập khẩu lần này cũng không quá lớn. Do đó, VNDIRECT cho rằng tác động của việc giảm thuế nhập khẩu đến các doanh nghiệp thép nội địa là không đáng kể.

Nguôn tin: Tài chính tiền tệ

ĐỌC THÊM