Việc chấn chỉnh đầu tư vào ngành thép dường như không được cải thiện. Ảnh: Đức Thanh |
Tuy nhiên, đề nghị trên có thể không dễ trở thành hiện thực, nếu nhìn vào những thực tế đang diễn ra trong ngành thép, khi rất nhiều giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho các doanh nghiệp để làm thép mà không cần có ý kiến của Bộ Công thương.
Tính đến thời điểm này, có 74 dự án sản xuất gang, thép thành phẩm với công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên, không kể một số nhà máy sản xuất thép do Tổng công ty Thép (VNSteel) quản lý. Tổng vốn đầu tư vào ngành thép theo báo cáo của các địa phương được Bộ Công thương tổng hợp, tính đến thời điểm này là 41.997 tỷ VNĐ và 20 tỷ USD với tổng công suất 2 triệu tấn gang/năm; 16,3 triệu tấn phôi thép, 35,2 triệu tấn thép các loại/năm, trong đó thép xây dựng và thép hình là10,35 triệu tấn/năm và thép tấm là 24,94 triệu tấn/năm.
Năng lực sản xuất đăng ký cũng gấp 1,5-1,8 lần so với dự báo nhu cầu tiêu thụ thép vào năm 2020. Ngay cả khi bỏ ra 3 dự án sản xuất thép tấm cán nóng có trong quy hoạch nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai là Dự án Nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh (Tập đoàn Tata) với công suất 2,4 triệu tấn/năm; Dự án Khu liên hợp Cà Ná – Ninh Thuận (Lion Group – Vinashin) công suất 4,5 triệu tấn/năm và dự án Nhà máy thép tấm cán nóng Bà Rịa – Vũng Tàu (VNSteel mua lại của Tập đoàn Essar) có công suất 2 triệu tấn/năm thì cung vẫn vượt cầu 1,2-1,3 lần.
Thực tế bùng nổ các dự án thép, phá vỡ quy hoạch ngành thép (được Chính phủ ban hành vào năm 2007) cũng được Bộ Công thương nhắc lại với nguyên do, nhiều địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án chưa có trong Quy hoạch với quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên mà không lấy ý kiến thoả thuận của Bộ Công thương và ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (với quy mô trên 1.500 tỷ đồng). Dù Bộ Công thương khẳng định, chuyện cấp phép này “vi phạm quy định về đầu tư và cần phải được chấn chỉnh”, nhưng tới nay, có tới 32 dự án được các địa phương cấp phép mà không cần có bất kỳ ý kiến nào của các cơ quan hữu trách.
So với thời điểm cuối năm 2008, khi Bộ Công thương có báo cáo về sự bùng nổ các dự án thép với thống kê 24 dự án quy mô vừa và nhỏ không có ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, việc chấn chỉnh đầu tư vào ngành thép, đặc biệt là thép xây dựng dường như không được cải thiện, mà xem ra, tình hình ở các địa phương còn “trầm trọng” hơn.
Sự vội vàng thu hút đầu tư vào ngành thép của nhiều địa phương cũng khiến cho nhiều dự án sản xuất gang, thép chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết về quy mô, công nghệ sản xuất, chủng loại sản phẩm, nguồn nguyên liệu đầu vào, hạ tầng cơ sở, đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, nhiều địa phương không muốn thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của các dự án không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết mà không có lý do chính đáng.
Ngay một việc đơn giản hơn là rà soát các dự án thép cũng được địa phương thực hiện “còn chậm và chưa đầy đủ các nội dung”.
Với thực tế đó, mục tiêu thu hồi các dự án không có khả năng thực hiện theo cam kết là không dễ dàng nếu không có biện pháp kiên quyết từ phía Chính phủ. Dự án khu liên hợp thép Cà Ná với vốn đầu tư gần 10 tỷ USD là một ví dụ. Dù khả năng thực hiện dự án với các chủ đầu tư cũ không còn, nhưng địa phương vẫn không muốn rút giấy phép. Thay vào đó đang tìm kiếm những nhà đầu tư thép khác để thế chỗ nhà đầu tư cũ, dù khó có hy vọng.
Thực tế, nhiều địa phương vẫn tiếp tục cấp giấy phép cho các dự án sản xuất thép, dù trong nước đã quá dư thừa, thậm chí với sản phẩm thép xây dựng thông thường không có gì mới trong công nghệ và thiết bị vẫn được cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài dù được ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho rằng, “điều này đã dẫn đến tình trạng giành giật thị trường, nhiều nhà máy sẽ phải vận hành thấp xa so với công suất thiết kế, gây lãng phí lớn”. Đáng tiếc là, những lời cảnh báo rất đáng xem xét đó, vẫn bị địa phương bỏ qua.
(Đầu tư)