Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép chồng chất khó khăn

Giá điện tăng làm tăng giá thành sản xuất sắt thép trong nước, buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán từ 150.000-200.000 đồng/tấn

Nhiều doanh nghiệp sản xuất sắt thép cho biết thị trường thép xây dựng ế ẩm từ năm ngoái cho đến nay nên giá bán phải điều chỉnh xuống thấp cả triệu đồng/tấn so với năm ngoái nhưng cũng không tiêu thụ được. Mặt khác, thép Trung Quốc vẫn tiếp tục tràn vào với số lượng lớn, có mức giá rẻ hơn 1 triệu đồng/tấn so với thép sản xuất trong nước, càng gây khó khăn cho ngành thép.

Ế ẩm

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết tiêu thụ sắt thép đã ế ẩm từ năm ngoái do thị trường bất động sản, các công trình xây dựng bị đình đốn.  

Những năm trước, có thời điểm giá thép bán trên thị trường hơn 20 triệu đồng/tấn, sau đó cầm cự ở mức 17-18 triệu đồng/tấn và hiện chỉ còn 14-14,5 triệu đồng/tấn nhưng cũng ít người mua. Sức tiêu thụ chỉ xoay quanh mức 300.000 tấn/tháng so với bình thường là trên 400.000 tấn/tháng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, do sức tiêu thụ thấp nên lượng thép thành phẩm tồn kho hiện lên đến gần 350.000 tấn, tồn kho phôi thép lên 450.000 tấn.

Giá thép tăng do chi phí bị đẩy lên

Ông Phạm Minh Tuấn, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thép tại TP HCM, cho biết hiện đang rơi vào tháng 7 âm lịch nên nhu cầu về xây dựng càng xuống thấp, lượng thép tồn kho tháng này sẽ còn tăng cao. Thông thường vào thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh đua nhau trữ hàng để chờ đến mùa xây dựng bung hàng ra bán với giá cao. Nhưng năm nay thì ngược lại, không có doanh nghiệp nào dám trữ hàng mà chỉ tiêu thụ đến đâu lấy hàng đến đó.

Sức ép từ thép nhập

Các doanh nghiệp thép trong nước cho biết thép Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập về rất nhiều, với mức giá thấp hơn hàng trong nước hơn 1 triệu đồng/tấn đã gây khó khăn rất nhiều cho ngành thép. Nhiều doanh nghiệp thép phải giảm công suất sản xuất hơn 50%, có doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa. Chưa kể mới đây, ngành điện lại điều chỉnh giá điện tăng làm giá thành sản xuất thép tăng lên, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh với hàng ngoại. 

Bảy tháng đầu năm, lượng thép hợp kim nhập khẩu vào Việt Nam là hơn 1,2 triệu tấn, gấp 3 lần so với mức nhập khẩu cả năm 2012. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thép hợp kim nhập khẩu về nhiều là do loại thép này có chứa boron nên được ưu đãi mức thuế 0% so với loại thép khác là 5%. Tuy nhiên, lượng boron có trong loại thép này chiếm tỉ lệ rất thấp (chỉ khoảng 0,0008%) nên không làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, tức vẫn được đưa vào xây dựng cạnh tranh với thép trong nước.

Theo giới kinh doanh, lượng thép được cho là có chứa thành phần boron được nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang chiếm từ 10%-15% trên thị trường. Loại thép này không chỉ được hưởng mức thuế 0% mà còn được phía Trung Quốc hoàn thuế 9% khi xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp đua nhau nhập loại thép này, gây khó khăn cho  ngành thép trong nước.

Giá phôi chưa tới 10.000 đồng/kg

Hiện giá phôi nhập khẩu về đến cảng Việt Nam khoảng 410 USD/tấn, cộng các loại thuế, chi phí sản xuất thì 1 tấn thép có giá thành chỉ khoảng 11-12 triệu đồng/tấn. Trong khi giá thép bán tại các nhà máy dao động từ 14-14,7 triệu đồng/tấn, tức doanh nghiệp vẫn có mức lãi một vài triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, do cạnh tranh nên nhiều nhà máy có mức chiết khấu khá cao cho khách hàng, từ 1-2 triệu đồng/tấn.

Nguồn tin: Nguoilaodong

ĐỌC THÊM