Tiêu thụ thép trong tháng 7 đã có những dấu hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, đầu ra hiện vẫn bài toán khó với các DN trong ngành.
Tồn kho không đáng ngại
|
Tính đến hết tháng 7-2013, sản lượng xuất khẩu đã tăng khá tốt từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn lại con số tồn kho thép thành phẩm trong tháng 7, có ý kiến cho rằng đó là lớn. Tuy nhiên, với các DN sản xuất thép, lúc nào cũng phải có một lượng sản phẩm chu chuyển nhất định chứ không bao giờ hết nhẵn. Mức tồn kho bình thường khoảng 250.000-270.000 tấn, nên 302.000 tấn gọi cao cũng được mà không cũng được, vì thực chất chỉ cần một thời gian ngắn lại về mức bình thường.
Riêng về phôi thép, có thông tin nói rằng lượng phôi tồn kho đến cuối tháng 7 hơn 500.000 tấn là hiểu chưa đúng. Thông thường, chúng tôi hay nói chuẩn bị phôi thép cho tháng sau, thí dụ tháng 7 dự báo chuẩn bị cho tháng 8. Chuẩn bị có 3 nguồn, gồm: tồn kho của tháng 7 chuyển sang; mua mới và sẽ về trong tháng 8; sản xuất phôi trong nước (phải sản xuất trong tháng).
Những cái này cộng lại gọi là nguồn phôi chuẩn bị cho tháng 8 chứ không phải tồn kho phôi. Chúng tôi đưa ra số liệu này để chứng minh với các cơ quan nhà nước rằng tháng sau sản xuất của chúng tôi không thiếu thép vì phôi là sẽ sản xuất ra thép thành phẩm.
Ảnh hưởng của giá điện
Vào đầu năm, chúng tôi dự báo tiêu thụ thép năm nay có thể tăng 3-4% so với năm ngoài. Trong 7 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ đã tăng 3,01% so với cùng kỳ, tức dự báo đưa ra hồi đầu năm là tương đối chính xác. Tuy nhiên, giá xăng, điện tăng liên tục đã ảnh hưởng đến các DN sản xuất thép.
Đầu vào tăng nhưng đầu ra chưa tăng tương ứng, đó là điều làm các DN thành viên mệt mỏi. Về việc tăng giá điện, chúng tôi hiểu trong cơ chế thị trường Nhà nước không thể mãi đi bù lỗ, nên ngành điện phải có lộ trình tăng giá. Song, tăng giá ngay trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây DN thật sự khiến khó khăn chồng thêm khó khăn. Dù vậy, các DN trong ngành cũng chỉ biết chấp nhận thực tế và nỗ lực. Để vượt qua khó khăn, về phía DN có 3 nội dung cần quan tâm.
Thứ nhất, các DN cần phải hiểu thị trường chỉ có thế nên không sản xuất quá. Phải tự phân chia thị phần với nhau cho phù hợp, vì nếu sản xuất quá nhiều phải hạ giá mới bán được, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh và phá giá, làm hại nhau.
Trên thực tế, thời gian gần đây Hiệp hội Thép Việt Nam cũng họp các DN nhiều lần để bàn về việc chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, nhưng cứ bàn xong lại bị phá, phá xong lại phải bàn. Nên việc này cần hết sức kiên trì.
Thứ hai, đẩy mạnh xuất khẩu để giảm bớt áp lực trong nước. Chính những dấu hiệu tăng trưởng tốt trong xuất khẩu những tháng đầu năm đang trở thành động lực cho các DN.
Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư thay đổi một số công nghệ, thiết bị tiên tiến để giảm chi phí. Giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh để giúp việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được thuận lợi. Ở điểm này các DN đã và đang làm khá tốt. Về phía cơ quan nhà nước. Cái khó của DN chính là đầu ra. Bất động sản đóng băng nên thép khó bán được.
Nếu trước đây vấn đề nguồn vốn được coi là khó khăn số một, nay đầu ra đang chiếm vị trí này. Chính vì thế, Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ khó khăn này cho các DN. Khuyến khích, tạo điều kiện cho DN xuất khẩu. Giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong một thời gian nhất định vì thuế VAT là của người mua chứ không phải của người bán. Nhằm góp phần kích thích tiêu dùng.
Nguồn tin: ĐTTC