Ngoài việc phải đấu tranh với nạn hàng nhái, hàng giả, thị trường thép xây dựng Việt Nam còn chịu áp lực rất lớn từ những đối thủ ngoại. Tuy nhiên, với việc nhiều dự án bất động sản sẽ được triển khai trong năm 2018, cùng thị trường xây dựng đang phát triển, triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp thép nội vẫn lớn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước hiện vào khoảng 30 triệu tấn/năm. Cụ thể, ở mặt hàng phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép cán đạt 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu là 5 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm. Với quy mô này, ngành thép Việt Nam được đánh giá đang đứng đầu các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện ngành thép mới chỉ hoạt đông khoảng 50-60% công suất.
Dù mới hoạt động 50-60% công suất, nhưng theo VSA, so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước, nguồn cung đã vượt xa cầu. Ngoài ra, nếu so sánh giá với sản phẩm đến từ Trung Quốc, thì giá thép của Việt Nam vẫn cao hơn, nên ngành thép trong nước đang đối mặt với không ít khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp công nghiệp xây dựng Nam Hải cho rằng, điều này phản ánh năng lực sản xuất và cạnh tranh kém của ngành thép trong “sân chơi” hội nhập.
“Thực tế, do năng lực tài chính hạn chế, nhiều doanh nghiệp chỉ đầu tư dây chuyền với quy mô nhỏ, công nghệ lò điện cũ, tiêu tốn nhiên liệu và chi phí cao, dẫn đến các sản phẩm không có tính cạnh tranh”, bà Dung chia sẻ.
Đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ, hiện quy mô, trình độ công nghệ của nhiều doanh nghiệp thép trong nước còn hạn chế, dẫn đến giá thành, chất lượng sản phẩm chưa thực sự cạnh tranh, hiệu suất sử dụng chưa đạt yêu cầu.
Bên cạnh sức ép về giá cả, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước còn phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành. Với cách thức làm giả ngày càng tinh vi, khả năng giống với hàng chính hãng lên đến 90%, người mua hàng khó có thể phát hiện đâu là thật, đâu là giả.
Với nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh mặt hàng này, anh Tuấn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9, TP.HCM) chia sẻ, vì lợi nhuận mặt hàng này đem lại là rất lớn, nên khả năng bị làm nhái cũng cao.
“Dù sản phẩm của các đơn vị thành viên của Tổng công ty Thép Việt Nam đều có thương hiệu, mẫu mác, biểu trưng, biểu tượng đặc thù trên mỗi cây, nhưng nếu nhìn bằng mắt thường và không có kinh nghiệm, thì khách hàng rất khó phân biệt hàng thật, hàng giả”, anh Tuấn nói.
Trên thực tế, tại các cửa hàng kinh doanh mặt hàng sắt, thép xây dựng vẫn luôn sẵn có song song 2 loại, bởi theo các chủ cửa hàng, không phải công trình nào cũng cần đến những loại thép chất lượng “siêu hạng”, tuổi thọ hàng thế kỷ và giá “cắt cổ”. Nhiều khách hàng chỉ quan tâm đến những sản phẩm có giá vừa túi tiền.
Theo VSA, để nâng cao tính cạnh tranh, đẩy lùi sức ép, các doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ, phương thức quản lý nhằm tăng năng suất, hạ giá thành. Hiện nay, trình độ công nghệ của nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế nên giá thành, chất lượng sản phẩm chưa thực sự cạnh tranh, hiệu suất sử dụng chưa đạt yêu cầu.
“Để giải quyết tận gốc những bất cập của thị trường thép Việt Nam, các doanh nghiệp phải xuất phát từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, đại diện VSA nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế vĩ mô 2018 lạc quan, thị trường bất động sản và xây dựng dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn còn rộng mở, nếu doanh nghiệp tìm được hướng đi phù hợp.
Nguồn tin: Đầu tư