Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép có "viết tiếp" bài học xi măng lò đứng?

Sự phát triển quá “nóng” của ngành thép trong nước bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề.
Giá thép thế giới đã giảm một nửa so với thời kỷ “đỉnh” giá hồi đầu năm, và vẫn đang trên đà giảm tiếp.

Ở trong nước, sản lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 9 của các thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) chỉ đạt 102.107 tấn, giảm 8,33% so với tháng 8 và là tháng thứ tư liên tiếp lượng thép xây dựng tiêu thụ chỉ còn quanh mức 1/3 của các tháng bình thường.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, trong khó khăn hiện nay, nhìn lại sự phát triển quá nóng trong thời gian qua của ngành thép, thấy bộc lộ nhiều nguy cơ trong phát triển các nhà máy, có khả năng dẫn tới đổ vỡ. Đó là đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ thấp, sức cạnh tranh yếu...

Vấn đề là liệu ngành thép có rơi vào đúng bài học mà ngành xi măng đã phải trả giá khi phát triển tràn lan các nhà máy xi măng lò đứng những năm 90 của thế kỷ trước?

"Loạn" đầu tư nhà máy thép

Nhìn nhận về giai đoạn phát triển của ngành thép mấy năm gần đây, ông Cường cho rằng: “Chúng ta đã có một cái nhìn hơi lạc quan thái quá về triển vọng phát triển của ngành thép”.

Việt Nam đã có một giai đoạn tốc độ tăng trưởng rất nhanh, lên tới trên 8%/năm. Các doanh nghiệp Việt Nam đã hy vọng với tốc độ tăng trưởng đó, các dự án sẽ triển khai “rầm rộ” và thép sẽ là nguyên liệu để xây dựng nhà máy mới, các công trình hạ tầng cơ sở, công trình dân dụng...

Triển vọng đó còn được “soi sáng” thêm bởi lượng tiêu thụ thép trên toàn cầu cũng tăng “vù vù” trong hai năm trở lại đây. Giá thép tăng lên liên tục, có thời điểm đã đạt trên 1.200 USD/tấn FOB.

“Quặng tăng giá gấp đôi, than cũng tăng liên tục. Năm ngoái, sản lượng thép tiêu thụ toàn cầu tăng khoảng 5%, một kỷ lục mới trong nhiều năm trở lại đây”, ông Cường cho biết.

Tiêu thụ thép trong nước năm 2007 cũng tăng tới 40% so với năm trước đó và đạt 10,22 triệu tấn. Sự tăng tốc được hỗ trợ bởi một thị trường bất động sản phát triển rực rỡ, thêm vào đó là nguồn ngân sách “đổ” mạnh vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng khiến lực cầu tăng đột biến.

Nhìn nhận đây có thể là cơ hội kinh doanh tốt, nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư xây dựng nhà máy luyện, cán thép. Nhưng đầu tư trong nước, nhiều doanh nghiệp nghĩ là đơn giản. Buôn thép, phất lên thì cứ thế mà đầu tư, chẳng tính toán gì. Nhiều đơn vị còn đầu tư tay trái, cứ lao vào vì coi thép là một cái gì đó rất “ngon ăn”, chưa lường hết được mọi chuyện.

Công ty Thép Vạn Lợi đã đầu tư tới 3 nhà máy, công suất từ 500.000 tấn đến 1 triệu tấn/năm, xây dựng cả lò cao, lò luyện cốc, luyện thép, cán kéo... Đầu tư tổng thể chứ không như trước kia doanh nghiệp trong nước chỉ đầu tư một công đoạn như kéo, cán thép...

Không chỉ có Vạn Lợi, Tổng công ty Thép cũng đầu tư vào một vài liên doanh như liên hợp thép công suất 1 triệu tấn/năm ở Lào Cai (với Trung Quốc), hay dự án nhà máy thép cán tấm nóng 2 triệu tấn/năm ở Vũng Tàu.
Rồi Hòa Phát cũng đầu tư xây dựng 2 lò cao 350 m3 tại Hải Dương. Đình Vũ có 2 lò cao... Tại nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc, dồn dập các dự án được khởi động đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp ngoài ngành, chưa có kinh nghiệm gì về luyện kim nhưng cũng “nhảy vào” đầu tư dự án thép như Tập đoàn Than Khoáng sản có mỏ sắt Thạch Khê và đang dự kiến đầu tư một liên hợp thép 2 triệu tấn/năm. Vinashin cũng đầu tư nhà máy sản xuất thép ở Yên Bái, Hải Phòng...

"Nhắm mắt" để đầu tư?

Đầu tư trong nước rất mạnh, nhiều doanh nghiệp từ làm thương mại đã phát triển doanh nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp, nâng số lao động lên hàng ngàn công nhân.

Sự phát triển quá “nóng” của ngành thép trong nước bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề. Theo một báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, những dự án đầu tư nóng vội vào sản xuất thép trong thời gian qua đang phải đối mặt với những vấn đề về công nghệ lạc hậu, hiệu quả kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro và hiểm họa đổ vỡ hàng loạt.

Vấn đề ngành thép gặp phải được VSA khái quát ở những điểm sau:

Thứ nhất, về nhìn nhận đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các dự án mà cơ sở để đảm bảo hoạt động bền vững là không có.

Đơn giản nhất là nguồn quặng lấy ở đâu?

Theo ông Cường, tất cả các dự án thép đều rất “mơ màng” về nguồn cung quặng. Các dự án đều tính đến phương án mua quặng, mà như vậy sẽ khó đảm bảo vận hành ổn định liên hợp. “Kể cả Tập đoàn Than - Khoáng sản, dù có mỏ Thạch Khê nhưng để khai thác được quặng cũng rất phức tạp”, ông Cường cho biết.

Ông Cường cũng đặt vấn đề rằng liệu các doanh nghiệp tính toán cảng xuất nhập như thế nào? Mua lô nhỏ quặng sẽ rất khó khăn, giải quyết làm sao? Vận chuyển ra khỏi địa bàn, nhiều tỉnh hiện nay đang cấm...

Thứ hai, tất cả các dự án đều quy mô nhỏ. Hiên nay, đầu tư trong nước hiện chưa có doanh nghiệp nào xây lò luyện đến 1.000 m3, đa số dự án trong nước là nhập lò luyện thép 200 đến 300 m3, cao nhầt cũng mới đến 500 m3, xuất xứ hoàn toàn từ Trung Quốc.

“Đầu tư tràn lan như thế là bởi vì giá rẻ, suất đầu tư rẻ, và người ta nhìn nó ăn xổi ở thì thôi, thậm chí đi mua các dây chuyền thiết bị mà Trung Quốc đã cấm vì thấy tính cạnh tranh không có...”, ông Cường bức xúc.

Tinh hiệu quả kém bởi các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật không sánh được với những dự án lớn nếu đầu tư theo đúng những tiểu chuẩn khắt khe về môi trường, an toàn năng lượng, xử lý nước... Việt Nam nhiều doanh nghiệp còn “mơ màng” với điều này, Trung Quốc đã phát triển ổ ạt thì họ biết và đã phải trả giá.

Biểu hiện của tính cạnh tranh kém đã được ông Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ rõ: “Doanh nghiệp ngành thép vừa qua liên tục kêu tháo gỡ. Đó là biểu hiện cách nhìn nhận về chiến lược phát triển là có vấn đề”.

Thứ ba là vấn đề môi trường. Ô nhiễm của ngành luyện kim là khói, bụi và khí độc hại. Nhà máy luyện cốc thì nước thải ra rất độc, nhiều hóa chất có hại cho sức khỏe con người, vì thế ngoài hệ thống lọc bụi, lọc không khí thì còn phải có thêm hệ thống lọc nước.

Đầu tư hệ thống xử lý môi trường đối với các nhà máy luyện kim còn lớn hơn đầu tư thiết bị chính, nếu mua từ Trung Quốc. Để vận hành một hệ thống lọc bụi, lọc khí cũng rất tốn điện và vật tư. Trung Quốc đã cấm các nhà máy luyện thép nhỏ cũng bởi vì nếu đầu tư cho những hệ thống làm sạch chất thải ấy thì không tương xứng.

Nhiều nhà máy của ta cũng có đầu tư, nhưng nếu vận hành đúng tiêu chuẩn thì giá thành sản xuất cao vọt lên. “Doanh nghiệp có đầu tư cũng chỉ vận hành đối phó, lúc đoàn kiểm tra đến thì cho hệ thống chạy, đoàn đi thì cũng ngừng luôn”, ông Cường nói.

Về nguồn điện cũng không đơn giản. Nếu đầu tư dây chuyền cán, kéo thép thì lúc mất điện còn gián đoạn được, nhưng nếu là liên hợp thì khi đã nổi lửa lò cao, 10 năm liền không được tắt.

“Nó cứ như là cái nồi cơm đang sôi sùng sục, nếu anh không có gạo đổ vào thì anh chết. Thiếu điện, thiếu nguyện liệu, hoặc nguyên liệu không ổn định đều chết”, ông Cường nói.

Trong khi thế giới đang có xu hướng hợp nhất lại để nâng tính cạnh tranh thì Việt Nam chúng ta lại rộ lên chuyện đầu tư manh mún, lụn vụn. “Vậy thì tính cạnh tranh sẽ như thế nào?”, ông Cường đặt vấn đề.

Nhận định về đầu tư của các doanh nghiệp thép trong nước, ông Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: “Doanh nghiệp còn chưa nắm được trò chơi của ngành thép thế giới, tức là phải cạnh tranh bằng giá và hiệu quả từ mỗi đồng vốn được đầu tư”.

“Ngành thép Việt Nam đang “viết lại” bài học xi măng lò đứng của những năm 90 thế kỷ trước mà một thời gian dài chúng ta đã phải “chữa cháy”. “Nếu chúng ta cứ tiếp tục nhập những lò cao nhỏ như hiện nay thì vấn đề “xi măng lò đứng” sẽ lập lại và chúng ta phải trả giá”, ông Cường nói.
(vnEconomy)

ĐỌC THÊM