Theo VCBS, đầu tư công có thể tạo ra nhu cầu đối với thép, tuy nhiên thực tế tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều, bởi vậy đóng góp sẽ không thực sự đáng kể.
Trong báo cáo ngành thép mới cập nhật, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp cho tới cuối 2023 trong bối cảnh nhu cầu thép chưa hồi phục do thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên và số nhà xây mới liên tục sụt giảm bởi nguồn vốn để phát triển dự án vẫn còn nhiều vướng mắc tại đây.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho khi liên tục tái hoạt động nhà máy sau gỡ bỏ phong tỏa trong khi nhu cầu chưa bắt kịp và các nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ vốn dĩ đã hoạt động dưới công suất do nhu cầu yếu nên việc đóng cửa do động đất không ảnh hưởng quá nhiều tới nguồn cung thật sự.
Dựa theo chỉ số RMI (chỉ số BĐS Trung Quốc) vốn có tương quan khá sát với biến động giá thép, VCBS đánh giá cao khả năng chu kỳ phục hồi của giá thép sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Hiện, RMI đang ở dưới mốc 100 cho thấy ngành BĐS Trung Quốc vẫn ở giai đoạn yếu. Theo thống kê từ quá khứ, việc RMI tạo đáy và vượt 100 (đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của thị trường bất động sản kéo theo nhu cầu thép bùng nổ) cần mất 6-12 tháng.
Với nội địa, giá thép thanh tại Việt Nam đang đi ngang ở mốc 14,5 triệu đồng/tấn và dần hồi phục nhẹ lên mức 15,5 triệu đồng/Tấn. Tình trạng này đến từ áp lực giảm giá theo giá thép thế giới. Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy bán nhanh hàng tồn kho cộng thêm chi phí sản xuất thép sụt giảm. VCBS đánh giá giá thép ở mức 14.500 đồng/kg đã là mức đáy của thép thanh , tuy nhiên do chu kỳ giá thép sẽ có biến động tương quan với giá thép Trung Quốc nên sẽ khó có thể tăng giá mạnh trong thời gian tới .
Trong năm 2023 này, VCBS đánh giá đ ầu tư công tạo ra nhu cầu đối với thép nhờ giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2022 chuyển sang và gói kích thích kinh tế bổ sung của Chính phủ. Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều, bởi vậy đóng góp chưa thực sự đáng kể.
VCBS ước tính tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 4% trước khi hồi phục mạnh 7% vào năm 2024. Động lực thúc đẩy tăng trưởng phần lớn tới từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.
Song , ngành bất động sản nội địa khó khăn đang là rào cản lớn cho tăng trưởng ngành thép 2023 . Hiện thị trường xây dựng BĐS (chiếm 60% nhu cầu thép) đang gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý vẫn hiện hữu, thậm chí số dự án đang triển khai tại miền Nam còn thấp hơn cả thời kỳ Covid-19. Số dự án cấp phép mới trong 2022 cũng thấp kỷ lục, cho thấy nhu cầu xây dựng 2023 ở mức rất yếu.
Sản lượng xuất khẩu cũng dự kiến tiếp tục thấp trong bối cảnh kinh tế các khu vực Mỹ, EU và Trung Quốc đều ghi nhận suy yếu, đặc biệt là EU chưa cho thấy tín hiệu kiểm soát được lạm phát.
Hiện, c ác doanh nghiệp thép lớn phải dừng hoạt động một phần trong quý 1/2023. Hoà Phát, Pomina và nhiều doanh nghiệp trong ngành thép đã thực hiện đóng lò sản xuất trong quý 4/2022 và mới chỉ mở lại một phần trong đầu năm nay. Việc đóng lò giúp các doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn khó khăn nhờ vào việc cân đối lại dòng tiền hoạt động. VCBS cho rằng quá trình tái khởi động lò sẽ diễn ra dần dần trong năm 2023 và những doanh nghiệp sống sót sẽ vươn lên mạnh mẽ từ 2024. Tuy nhiên, VCBS vẫn nhấn mạnh quý 1 của ngành thép vẫn sẽ tiếp tục kém tích cực.
Nguồn tin: Cafef