Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, độ chênh lệch về tiêu hao nhiên liệu trong sản xuất ngành thép là rất lớn. Với công nghệ hiện đại, mức tiêu hao điện năng chỉ từ 350- 400kWh/tấn thép, nhưng với những lò luyện thép cũ, mức tiêu hao có thể lên đến 700 kWh/tấn.
CôngThương - Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong tình hình hiện nay khi giá điện đã tăng từ đầu tháng 3/2011. Nằm trong chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, giữ vững thị phần trong nước, hướng đến quá trình hội nhập; đồng thời đáp ứng được yếu tố bảo vệ môi trường, cũng như tiết kiệm điện để giảm chi phí đầu vào không còn cách nào khác, ngành thép ở TP Đà Nẵng đã và đang nỗ lực thay đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng.
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép DANA- Ý, Đà Nẵng cho biết: Doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ để tiết kiệm điện năng, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để có giá thành thấp không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn ở trong khối ASEAN bằng cách đầu tư công nghệ mới hiện đại, liên hoàn. Hơn 500 tỷ đồng là số tiền mà công ty dùng để đầu tư dây chuyền công nghệ luyện Consteel trong sản xuất thép. Đây là dây chuyền công nghệ luyện thép có chức năng nạp liên tục nên tiết kiệm rất nhiều điện năng và hạn chế ô nhiễm môi trường cao. Dây chuyền này có công suất 250.000 tấn/năm, gồm dây chuyền cán thép cây từ phi 10 đến phi 32 và dây chuyền luyện thép công suất 40 tấn, sử dụng công nghệ xanh tiết kiệm năng lượng.
Ông Nguyễn An – Tổng giám đốc Công ty CP thép Thái Bình Dương, Đà Nẵng- cho rằng, việc tăng giá điện sẽ gây thêm khó khăn cho ngành thép, nhưng cũng là biện pháp để loại bỏ các nhà máy thép có công nghệ lạc hậu. Đối với Công ty cổ phần thép Thái Bình Dương, TP Đà Nẵng, chúng tôi đã xác định ngay từ khi đầu tư dây chuyền khép kín, chỉ có đổi mới công nghệ là con đường tất yếu để tăng cường năng suất lao động, tăng giá năng lực cạnh tranh và đặc biệt tiết kiệm năng lượng trong tình hình hiện nay. Không chỉ có thế, đổi mới công nghệ còn mang lại lợi ích về tiết kiệm chi phí mà ai cũng thấy rõ. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn nhưng hiệu quả sử dụng cao, mang lại lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp.
Việc tăng giá điện mang tính tất yếu là để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Trong chiến lược kinh doanh của công ty, Thép Thái Bình Dương đã lường trước điều này, do đó, chúng tôi đã chú trọng đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ, giảm bớt hao phí điện năng để giảm giá thành từ khâu nấu luyện đến thành phẩm nên chúng tôi đã có giá cạnh tranh rất cao- ông Nguyễn An cho biết thêm- Trong điều kiện nguồn điện còn khó khăn, việc các doanh nghiệp thép Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng chủ động đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng là việc làm cần thiết, nhất là vào thời tình hình như hiện nay.
Được biết, với các nước tiên tiến như Nhật Bản, điện năng tiêu thụ cho 1 tấn phôi thép thành phẩm chỉ khoảng 350-400 kWh, trong khi đó, Việt Nam phải cần đến 700 kWh. Nếu không có biện pháp cụ thể giảm chi phí sản xuất mà trước tiên là giảm chi phí năng lượng thì ngành thép Việt Nam khó có thể cạnh tranh trên thị trường.
Chính vì thế, trong các lựa chọn để tăng tính cạnh tranh, đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng được cho là việc làm mang lại ích thiết thực để tăng tính cạnh tranh, bởi trong lộ trình phát triển, ngành thép Đà Nẵng nói riêng, ngành thép nước ta nói chung phải vượt qua giai đoạn cạnh tranh bằng lợi thế giá rẻ bước sang giai đoạn cạnh tranh chất lượng và hiệu quả .
Nguồn: Baocongthuong