Xuất khẩu gặp khó vì các vụ kiện chống bán phá giá, nội địa cũng khốn đốn khi hàng Trung Quốc tràn ngập, các DN tôn, thép Việt Nam đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan. Xung quanh câu chuyện này, ĐTTC trao đổi với ông NGUYỄN VĂN SƯA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).
PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ việc các nước Thái Lan, Indonesia. Maylaysia… liên tiếp kiện chống bán phá giá sản phẩm tôn, thép của Việt Nam?
Ông NGUYỄN VĂN SƯA: - Xu hướng chung hiện nay là việc tự do hóa thương mại giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại tụ do (FTA) song phương, đa phương. Khi càng nhiều hiệp định được ký kết đồng nghĩa với các dòng thuế nhập khẩu được giảm xuống. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến sản xuất trong nước của nhiều quốc gia.
Để bảo vệ sản xuất nội địa, các nước đã lập nên những hàng rào. Chính vì lẽ đó việc tranh tụng cũng là bình thường. Thép là ngành công nghiệp cơ bản nên nhiều nước muốn bảo hộ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, do rất đa dạng về chủng loại sản phẩm, tôn, thép trở thành nhóm ngành vướng phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất.
Cụ thể, trong giai đoạn 1994-2013, sản phẩm thép xuất khẩu Việt Nam bị kiện 15 vụ trong số 52 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước trên thế giới. Tính riêng trong 3 năm (2011-2013), nước ta đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép tại một số thị trường như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Indonesia, Hàn Quốc…
Gần đây nhất, ngày 27-8, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) thông báo về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Tiếp theo, ngày 8-9, Uỷ ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) đã đăng công báo 680/KADI/IX/2015 thông báo tiến hành điều tra rà soát hoàng hôn (sunset review) vụ việc chống bán phá giá thép cuộn cán nguội (CRC/S) nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngày 18-9, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết đã nhận thông tin về việc Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm tôn lạnh mạ hoặc phủ màu nhập khẩu từ Việt Nam.
- Vậy vì sao sản phẩm tôn, thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào nước ta lại ít bị kiện chống bán phá giá, thưa ông?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận trong tranh tụng thương mại quốc tế DN Việt Nam vẫn còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nên chưa tiến hành được nhiều vụ kiện các sản phẩm từ Trung Quốc. Cho đến nay chúng ta mới áp thuế chống bán phá giá với mức thuế 3,07-37,29% một số sản phẩm thép không gỉ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan.
Với riêng các sản phẩm tôn Trung Quốc giá rẻ, hiện VSA đang cùng các DN liên quan ráo riết thu thập dữ liệu, chuẩn bị các phương án để sớm khởi kiện sản phẩm tôn các loại có nguồn gốc từ Trung Quốc trong thời gian thích hợp nhất. Song bản thân DN cũng cần nâng cao tính cạnh tranh để giảm giá thành sản phẩm. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần dựng lên những hàng rào kỹ thuật, đồng thời trong đàm phán các FTA song phương và đa phương nên có những điều khoản nhất định đối với sản phẩm nhạy cảm như tôn, thép.
- So với Trung Quốc và các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, DN tôn, thép Việt Nam dường như đang ở thế thua thiệt do sự bảo hộ chưa mạnh mẽ?
- Với tình hình kiện cáo đang diễn ra phức tạp như hiện nay, 2016 được dự báo là 1 năm vô cùng khó khăn của các DN ngành tôn lạnh và mạ màu nước ta. Theo đó, Trung Quốc không chỉ đưa tôn, thép giá rẻ vào thị trường Việt Nam mà còn tìm mọi cách lách luật để được hưởng mức thuế thấp.
Cụ thể, chỉ trong 7 tháng năm 2015 lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 814.000 tấn, tăng mạnh so với con số nhập khẩu của cả năm 2014 là 598.000 tấn, trong đó chủ yếu là phôi thép dưới dạng bán thành phẩm với thuế suất 5%, thay vì 9% nếu nhập phôi thép thuần túy. Thực tế này đang đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, bởi chỉ riêng DN đối phó sẽ không thể làm gì được. Thị trường nội địa với 90 triệu dân là rất lớn, nếu các biện pháp quản lý phát huy tốt hiệu quả, DN sẽ bớt gánh nặng, đồng thời giúp đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.
Cần có những biện pháp bảo hộ ngành thép. Ảnh: LONG THANH |
- Trước các vụ kiện liên tiếp, VSA đã có sự đồng hành như thế nào với DN sản xuất tôn, thép trong nước?
- Trước hết, khi có thông tin về các vụ kiện chống bán phá giá tại các nước nhập khẩu có liên quan đến các sản phẩm tôn, thép Việt Nam, VSA sẽ nhanh chóng thông tin đến các DN thành viên, nhất là các DN có trong danh sách liên quan đến các vụ kiện. Đồng thời VSA cũng khuyến cáo các DN thực hiện đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra của nước nhập khẩu.
Khi vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại, dù chưa biết kết quả ra sao, song DN chắc chắn sẽ có những thiệt hại về thời gian theo đuổi vụ kiện, tốn kém chi phí không nhỏ. Chính vì thế để tránh vướng phải các vụ kiện, DN nên chủ động phân bố thị trường rộng hơn.
Có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ có thể là thị trường tiềm năng trong tương lai, nhưng tôi không nghĩ như vậy vì sản phẩm cùa chúng ta mới chỉ ở mức thông thường về chất lượng, trong khi Hoa Kỳ đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng tôn, thép nhập khẩu. Cũng phải thông tin thêm, trong 2 cuộc họp mới diễn ra tại TPHCM và Hà Nội, VSA tiếp tục có những kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng nhằm có những biện pháp bảo vệ tốt hơn cho DN nội.
- Xin cảm ơn ông.
Nguồn tin: ĐTTC