Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép: Điêu đứng vì đầu tư sai

Sai lầm trong quyết định đầu tư đã đẩy nhiều doanh nghiệp đến nguy cơ vỡ nợ hoặc phá sản.
 

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp thép điêu đứng là do đầu tư tràn lan, không theo qui hoạch.

Phá sản, vỡ nợ vì đầu tư tràn lan

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ngành thép đang điêu đứng vì hàng tồn kho cao và kinh doanh khó khăn. Do chi phí vốn quá cao, giá đầu vào các vật tư nguyên, nhiên liệu, than, xăng dầu, điện… năm qua đều tăng trên 10%. Thêm vào đó, trong bối cảnh Chính phủ thắt chặt đầu tư công và hoãn các công trình chưa thật sự cần thiết, thị trường bất động sản đóng băng, tiêu thụ thép càng giảm mạnh khiến lượng thép tồn kho tăng cao. Hiện lượng thép tồn kho khoảng 500.000 tấn, trong khi cho phép chỉ khoảng 1/2 số đó. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp thép điêu đứng hiện nay là do đầu tư tràn lan, không theo hoạch định dẫn đến cung vượt cầu. Hầu hết các nhà máy thép chỉ chạy khoảng 50 - 60% công suất thiết kế, một số hoạt động cầm chừng, thậm chí phải rao bán nhà xưởng để trả nợ ngân hàng.

Theo một số chuyên gia ngành thép, các doanh nghiệp thép nhỏ đang phải trả giá cho việc phớt lờ cảnh báo của cơ quan chức năng từ vài năm nay. Thống kê cho thấy có gần 30% doanh nghiệp ngành thép đang sử dụng công nghệ lạc hậu, hơn 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Trong thời gian tới, mức thuế suất chung của khu vực sẽ về bằng 0. Khi đó, những doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, nguyên, nhiên vật liệu, chất lượng sản phẩm không tốt sẽ không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập và tự đào thải. Hiện đã có một số doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc do vay vốn ngân hàng quá nhiều, hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên bị ngân hàng kiểm soát hết vốn và toàn bộ hoạt động mua bán. Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) đã ngừng sản xuất và là con nợ của 6 tổ chức tín dụng với nhiều món nợ xấu, nợ tiền điện hơn 11 tỉ đồng và nợ Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng gần 7 tỉ đồng… phải bán nhà máy cho Công ty Thép Việt Úc. Công ty Thép Đình Vũ (Hải Phòng) cũng lỗ liên tục trong mấy năm qua, mặc dù đã chuyển nhượng đến 70% cổ phần cho một tập đoàn Úc, nhưng tình hình hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa. Công ty cổ phần Thép Cửu Long Vinashin thì đang "trùm mền" và trong quá trình bán lại cho một doanh nghiệp khác…

Ðúng chuẩn nhưng không cạnh tranh lại hàng chợ

Mới đây, vụ việc Công ty TNHH Phú An Sinh - một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giết mổ tại TP.HCM - rao bán 70 - 80% nhà xưởng để trả nợ đã gây xôn xao dư luận. Ngoài lý do tổn thất nặng do chưa có kinh nghiệm trong kế hoạch nhận vốn của Sở NN & PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu (mua gom heo, giết mổ cấp đông, chạy dịch tai xanh…) thì việc sản phẩm giết mổ đúng tiêu chuẩn, nhưng lại thiếu quảng bá đúng mức cần thiết để người tiêu dùng hiểu rõ khiến công ty không cạnh tranh lại hàng chợ, không được thị trường chấp nhận cũng là nguyên nhân khiến công ty bị thua lỗ. Thông tin từ Công ty Phú An Sinh cho biết, trước khi di dời về Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ sở đặt tại quận 12, TP.HCM, mỗi đêm giết mổ từ 4.000 đến 10.000 con gà, vịt. Thành phẩm làm ra tiêu thụ hết mà không tốn bất cứ chi phí nào từ đóng gói, bảo quản, vận chuyển lạnh… Khi TP.HCM có kế hoạch ngưng các cơ sở giết mổ, Phú An Sinh về Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư nhà máy 40-50 tỉ đồng theo đúng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm: gia cầm sau khi giết mổ được đóng gói, bảo quản và vận chuyển lạnh. Nhưng cũng từ đó, Phú An Sinh mất dần khách hàng, thậm chí hàng tiêu thụ chỉ còn bằng 1/10 trước đây bởi người tiêu dùng vẫn giữ thói quen dùng gà "nóng", cho rằng gà "lạnh" là hàng không tươi, giá bán lại cao hơn gà "hàng chợ". Ngoài ra, các cơ sở giết mổ thủ công tại TP.HCM được gia hạn di dời đến năm 2015 càng đẩy Phú An Sinh vào thế khó. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh từng tiếc nuối: "Nếu được làm lại, tôi sẽ xin TP.HCM cấp phép được giết mổ ngay tại thành phố hoặc làm bán thủ công như trước".

500.000 tấn là lượng thép tồn tại kho của các doanh nghiệp ngành thép ở thời điểm hiện tại

Không đến nỗi bi đát như Phú An Sinh, nhưng một số doanh nghiệp giết mổ, chế biến cũng gặp trở ngại vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Các qui định về an toàn thực phẩm ở chợ như: kinh doanh thực phẩm tươi sống, giết mổ phải có tủ bảo ôn, có bao bì nhãn mác rõ ràng... gần như đã rơi vào quên lãng. Hàng giết mổ lậu, kém chất lượng có giá thấp hơn, "vô tư" đưa ra chợ khiến các doanh nghiệp sản xuất, giết mổ theo tiêu chuẩn công nghệ cao khó có đất sống. Chẳng hạn, nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) có diện tích 5 ha, được trang bị hệ thống giết mổ, chế biến hiện đại, công suất giết mổ lên đến 100 con heo và 2.000 con gà/giờ. Tuy nhiên, trung bình nhà máy này chỉ giết mổ, chế biến chưa đầy 100 con heo và khoảng 1.500 con gà/ ngày. Thị phần của thịt gia súc, gia cầm giết mổ công nghiệp quá hẹp, khó bày bán, tiêu thụ tại các chợ truyền thống mà chủ yếu qua kênh phân phối siêu thị, cửa hàng thực phẩm và một số nhà hàng, khách sạn, cạnh tranh với các thương hiệu như: Vissan, Huỳnh Gia Huynh Đệ, CP, Bình Minh… Để "nuôi" công nhân, D&F phải nhận gia công cho một tập đoàn sản xuất thực phẩm của Nhật. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc nhà máy D&F cho biết, sắp tới công ty sẽ trang bị tủ mát, mở điểm bán tại các chợ truyền thống, giảm lợi nhuận để bán hàng giá tương đương với sản phẩm ở chợ. Ông Phương hy vọng sẽ tăng sản lượng lên gấp 3 lần hiện nay.
 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến nay cả nước có 65 dự án thép

có công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên. Trong đó, có đến 32 dự án không thuộc danh mục qui hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tập trung ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương… Tổng công suất thiết kế của 65 nhà máy này lên đến 26 triệu tấn/năm, vượt hơn 6 triệu tấn/năm so với nhu cầu tiêu thụ dự kiến của ngành thép đến năm 2020. Lượng thép tồn kho quá cao, nhiều doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu thép sang Campuchia nhưng cũng không mấy khả quan, vì phải cạnh tranh quyết liệt với thép của Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường này.

Nguồn tin: DDDN

ĐỌC THÊM