Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép: Đón thời cơ giá lên

Thị trường thép còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Trong khi cổ phiếu của nhiều DN ngành thép giảm giá mạnh do khó khăn của thị trường thép trên toàn thế giới thì một số DN ngành thép lớn lại tỏ ra rất bình tĩnh. Bởi đối với những DN này, thách thức đồng thời cũng là cơ hội.

 
DN ngành thép lạc quan
Tại cuộc hội thảo phân tích ngành thép do CTCK Bản Việt tổ chức mới đây, 3 DN ngành thép đều rất lạc quan về tương lai của ngành. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại SMC cho biết, tổng hợp nhiều nguồn tin thì sau quý I/2009, giá thép sẽ tăng trở lại.
Theo ông Trần Tô Tử, Phó tổng giám đốc CTCP Thép - Thép Việt, về dài hạn, nhu cầu thép trong nước và thế giới không ngừng tăng, thị trường thép còn rất rộng lớn. Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 11 - 12%/năm. "Đây là thời kỳ tăng tốc của ngành thép, chứ không phải thời kỳ bão hòa", ông Tô Tử nói.
Ông Ngọc Anh cho biết, sản phẩm thép Việt Nam đã được xuất khẩu mạnh sang thị trường Campuchia, Thái Lan và Iran. Các dự án đầu tư nước ngoài trong ngành thép đều là của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đây là các nước và vùng lãnh thổ có uy tín cao về sản xuất thép trên thế giới, nên sản phẩm của các dự án này chiếm lĩnh thị trường thế giới là trong tầm tay.
 
DN vượt khó
Phải thừa nhận rằng, các DN ngành thép đang trong thời kỳ khó khăn do tiêu thụ thép trên thị trường trong nước và thế giới sụt giảm. Giá phôi thép và giá thép phế nhập khẩu đều giảm với tốc độ nhanh kể từ tháng 7 đến nay.
Hầu hết DN đều tồn kho một lượng hàng do nhập nguyên liệu sản xuất gối đầu. Với DN sản xuất phôi thì tồn kho một lượng phôi lớn, trị giá khoảng 1 tỷ USD. Các DN cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính sẽ sàng lọc các DN quy mô nhỏ trong ngành thép. Những DN quy mô nhỏ, vốn ít sẽ gặp nhiều khó khăn. DN làm thương mại thuần túy sẽ gặp khó khăn hơn DN sản xuất trong ngành.
Đối với DN sản xuất lớn, theo tìm hiểu của phóng viên ĐTCK, DN đang cắt lỗ bằng cách sản xuất hết nguyên liệu tồn để bán hàng trong nước hoặc xuất khẩu khi thuế xuất khẩu phôi thép giảm xuống 0%. Cùng lúc này, nhiều DN tiếp tục ký các hợp đồng kỳ hạn mua nguyên liệu với giá rẻ để sử dụng khi thị trường thép ấm lại.
Nguyên liệu giá rẻ nhập về Việt Nam sau vài tháng nữa sẽ giúp trung hòa giá nguyên liệu hàng tồn kho, giảm giá vốn, giảm lỗ của DN. Khoản chi phí mà DN phải chịu chủ yếu là khoản lãi vay vốn ngân hàng.
Cho đến thời điểm này, kết quả kinh doanh quý III của các DN ngành thép lớn vẫn có lãi. Quý IV, nếu thị trường tiếp tục khó khăn, nhiều khả năng kết quả kinh doanh của các DN sẽ âm, tuy nhiên khoản lỗ này chỉ bằng một phần lợi nhuận đã thu được trong 3 quý đầu năm.
Theo đánh giá của CTCK Bản Việt, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các DN đã thu được lợi nhuận lớn trong những tháng đầu năm và đủ bù đắp khoản chi phí trước mắt.
 
Đón thời cơ mới
Ông Tô Tử cho biết: "Hết mưa rồi lại nắng, quy luật này thường xảy ra trong ngành thép nên giai đoạn này, chúng tôi đang chuẩn bị đón thời cơ giá lên, bảo trì máy móc, huấn luyện nhân viên, củng cố mạng lưới phân phối".
Lãi suất vay vốn ngân hàng đang có dấu hiệu giảm. Kinh tế trong nước và thế giới đang được thúc đẩy tăng trưởng trở lại. Điều đó có nghĩa là khi nghe ngóng có dấu hiệu giá thép tăng trở lại, những DN lớn, uy tín được ngân hàng bảo lãnh hạn mức tín dụng cao có khả năng nhập khẩu nguyên liệu sớm để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Khi đó, nguồn nguyên liệu giá rẻ sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho DN sản xuất thép và phôi thép.
Mới đây, Công ty Thép Hòa Phát đã đề nghị mua lại toàn bộ 100.000 tấn quặng sắt của CTCP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long. Đây là số quặng sắt mà Thăng Long muốn xuất khẩu, song do là nguyên liệu phục vụ sản xuất gang thép trong nước nên Bộ Công thương đề nghị các DN trong nước mua lại.
Hòa Phát mua quặng sắt với số lượng lớn làm nguyên liệu cho nhà máy luyện gang của dự án khu liên hiệp gang thép đang lắp đặt máy móc và dự kiến đi vào hoạt động cuối quý II/2009. Khi dự án này đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ bớt phụ thuộc vào nguyên liệu thép phế nhập khẩu trong sản xuất phôi và tăng công suất nhà máy cán thép.
Trong bối cảnh thị trường tài chính - chứng khoán hiện nay, động thái "xả" cổ phiếu liên quan đến ngành thép của nhà đầu tư là việc bình thường. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ về ngành này, nhà đầu tư sẽ có cơ hội đầu tư trở lại vào thời điểm thích hợp. Dưới góc độ là chuyên gia tài chính, ông Tô Tử nói: "Đối với cổ phiếu ngành thép, nhà đầu tư có thể đầu tư dài hạn, đồng thời cũng có thể lướt sóng vào thời điểm thích hợp".

 
Một số chỉ tiêu tài chính dự kiến năm 2008 của DN thép niêm yết (Đơn vị: tỷ đồng)
 

(Nguồn: CTCK Bản Việt)

ĐỌC THÊM