Báo cáo ngày 17/7 từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, nhu cầu thép toàn cầu dự báo tiếp tục tăng, tạo triển vọng tích cực cho toàn ngành nửa cuối năm nay mặc dù tốc độ tăng sẽ chậm lại. Phía các chuyên gia nhận định, biến động giá nguyên liệu thép sẽ ít gây khó khăn, nhưng sản lượng có thể là thử thách cho các doanh nghiệp trong quý III/2023.
Theo báo cáo tình hình thị trường thép Việt Nam từ VSA, trong tháng 6, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,012 triệu tấn, giảm 9,52%so với tháng 5/2023 và giảm 16,2%so với cùng kỳ 2022. Bán hàng thép các loại đạt 2,161 triệu tấn, giảm 6,41%so với tháng trước và giảm 4%so với cùng kỳ 2022.
Nguồn: VSA
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,881 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: VSA
Về tình hình nhập khẩu thép, tháng 5/2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam hơn 837.000 tấn với trị giá hơn 772 triệu USD, giảm lần lượt 18,92% về lượng và 13,54% về giá trị so với tháng 4; và giảm lần lượt 34,54% về lượng và 45,01% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 4,606 triệu tấn với trị giá hơn 3,934 tỷ USD, giảm 12,33% về lượng và giảm 29,61% về giá trị.
Về tình hình xuất khẩu, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,133 triệu tấn thép trong tháng 5, tăng 16,43% so với tháng 4 và tăng 52,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 931 triệu USD tăng 14,53% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu khoảng 4,383 triệu tấn thép tăng 10,12% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 3,448 tỷ USD giảm 16,21% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhìn chung, ngành thép nhận tín hiệu khá tích cực từ thị trường quốc tế. Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) vào cuối tháng 5/2023, nhu cầu thép toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2023 sau khi giảm 3,2% năm 2022. Nhu cầu thép toàn cầu tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ tăng sẽ chậm lại. Dự báo vào những năm 2040, chỉ số này sẽ vượt quá 2 tỷ tấn.
Mặt khác, trong báo cáo cùng ngày, CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường nguyên liệu thép trong quý III sẽ ổn định về giá nhưng nhu cầu ảm đạm.
Đầu tiên, nhóm phân tích cho rằng, giá quặng đã tạo đáy nhưng vẫn thiếu động lực tăng trong trung và dài hạn. Cụ thể, Trung Quốc là thị trường sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới vẫn không ngừng đưa tin hỗ trợ thị trường vật liệu xây dựng. Các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, giảm áp lực tài chính lên các nhà phát triển bất động sản được giới phân tích cho rằng sẽ chỉ có tác động lên nhu cầu nhà ở kể từ đầu năm sau, nhưng tin tức về các chính sách này vẫn có tác động lên giá quặng sắt thế giới trong ngắn hạn.
Ngoài ra, xu hướng siết cung quặng sắt nội địa do thanh tra an toàn tại các mỏ quặng tại Trung Quốc khiến nước này phụ thuộc gần 80% vào nguồn cung nhập khẩu, góp phần đẩy giá quặng sắt trong ngắn hạn.
Giá quặng sắt và than luyện cốc (USD/tấn)
Tiếp theo, VDSC nhận định giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhiều khả năng sẽ không giảm thêm, nhưng nhu cầu vẫn yếu. Cụ thể, giá chào bán HRC tại Việt Nam hàng giao trong tháng 8-9/2023 hiện đang ở mức 580 USD/tấn, tương đương 13,7 triệu đồng/tấn. HRC nhập khẩu từ Trung Quốc hiện thấp hơn khoảng 10 USD/tấn.
Như vậy, giá HRC trong mùa thấp điểm xây dựng (mùa mưa trong tháng 7, 8 và tháng Ngâu trong tháng 9) giảm khoảng 4% so với tháng 6.
Giá HRC CFR Việt Nam (USD/tấn)
Từ đó, nhóm phân tích dự báo đối với các doanh nghiệp thép tại Việt Nam, biến động giá nguyên liệu sẽ ít gây khó khăn trong quý III. Tuy nhiên, sản lượng sẽ là thử thách khi hầu hết các nhà sản xuất sẽ phải tăng xuất khẩu để bù lại cho mùa thấp điểm của thị trường nội địa.
Chung nhận định về diễn biến giá nguyên liệu, chia sẻ trên Tạp chí Xây dựng điện tử ngày 14/7 vừa qua, theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức MXV, sắt thép là loại nguyên vật liệu quan trọng với các công trình xây dựng, công trình cao tốc. Vì thế, việc giá sắt duy trì ở vùng giá hợp lý như hiện nay sẽ góp phần làm giảm bớt sức ép chi phí đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các hoạt động đầu tư công và cơ sở hạ tầng cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi để ngành sắt thép trong nước tăng trưởng.
Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 215.578,9 tỷ đồng, tương đương 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Tính riêng trong tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.
Nguồn tin: Doanh nhân