Trái với những dự báo không mấy khả quan trước đây, ngành công nghiệp thép Việt Nam hiện đang có những dấu hiệu phát triển tích cực. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết: “Tháng 7, 8-2009, chúng tôi cứ tưởng là suy giảm kinh tế làm cho mức tiêu thụ thép của chúng tôi thấp đi so với năm 2008, nhưng sau 7 tháng, những loại thép xây dựng và những loại thép sử dụng bình thường trong nước thì lại tăng lên đến 10% rồi.”
Cũng theo ông Phạm Chí Cường, nếu mức tiêu thụ tiếp tục giữ ổn định trong năm tháng cuối năm thì ngành thép có hy vọng đạt mức tăng trưởng trên 10%, thậm chí đến 15% hoặc hơn. Đây là một kết quả ngoài sự mong đợi.
Còn nhớ, hồi đầu năm 2009, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, Tổng Giám đốc, Tổng công ty thép Việt Nam, ông Đậu Văn Hùng dự báo, ba khả năng của ngành thép năm nay: Một là, tăng trưởng 5-10%, hai là không tăng trưởng, ba là, thậm chí suy giảm đến -5% . Sở dĩ có những dự báo không mấy lạc quan trên vì ngành thép phải đối đầu với một số khó khăn: do tác động và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu; sự cạnh tranh khá quyết liệt về giá với một số thị trường thép trong khu vực.
Trước những khó khăn trên, cùng với sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên chức trong ngành và sự hỗ trợ của các giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ đã tạo điều kiện cho ngành thép vượt qua khó khăn. Chủ tịch Hiệp hội Thép, Phạm Chí Cường cho biết thêm: Giải pháp thứ nhất, mà ngành thép chúng tôi được, Nhà nước tạo thuận lợi là rà soát lại tất cả các dự án đầu tư. Dự án nào có hiệu quả, phát huy tác dụng tốt cho nền kinh tế thì tiếp tục đầu tư vốn và được hỗ trợ bằng lãi suất thấp, các điều kiện tín dụng thuận lợi để người ta có thể triển khai nhanh chóng các dự án đó. Vì thế nên các dự án xây dựng, làm nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên thì đã có được điều kiện tín dụng rất thuận lợi. Vì thế họ triển khai tốt và tạo điều kiện đầu ra, tiêu thụ thép của chúng tôi thuận lợi hơn. Giải pháp thứ hai là, những công trình đầu tư thép của chúng tôi vẫn tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ để mở rộng. Nói chung các công ty thép trong nước mà vẫn tiếp tục đầu tư thì Nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ về địa điểm, về mọi điều kiện thuận lợi để cho họ có thể tiếp tục mở rộng sản xuất trong nước. Nhiều công ty tư nhân đã được hỗ trợ rất nhiều để mở rộng sản xuất. Còn đương nhiên những khó khăn chung của đất nước thì ngành nào cũng phải chịu đựng, ví dụ các điều kiện về vốn ngoại tệ, các chính sách về thuế ...thì nếu cái gì được ưu đãi của Nhà nước, thì các ngành có liên quan giải quyết kịp thời; ví dụ , năm nay thuế VAT của chúng tôi sẽ là 10%, nhưng do nền kinh tế khó khăn nên chúng tôi vẫn được hưởng 5% như các năm trước, chưa tăng. Đại loại những chính sách như vậy đã giúp cho ngành thép phát triển tốt.
Có thể nói, những dấu hiệu khởi sắc trên phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách hỗ trợ và các gói kích cầu của Chính phủ. Như vậy, một vấn đề được đặt ra, đến thời điểm không còn nguồn vốn của Nhà nước, các gói kích cầu đã cạn, liệu ngành thép có đứng vững và phát triển bền vững? Đó là một câu hỏi lớn đặt ra chẳng riêng gì với ngành thép !
(Báo Điện Tử)