Gần một triệu tấn thép và phôi bị tồn, hàng ngàn công nhân bị nghỉ việc là thực trạng của ngành thép hiện nay. Không ít doanh nghiệp đối diện với khó khăn, phải vay “nóng” để trang trải tiền điện, nước, lương công nhân và trả lãi ngân hàng...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là bài học từ “khủng hoảng thiếu” đến “khủng hoảng thừa”.
Nửa đầu năm 2008, doanh nghiệp thép như “mở cờ” nhờ lợi nhuận lớn thu được từ nhập phôi giá thấp, bán thép giá cao. Bất chấp cảnh báo thiếu hụt nguồn phôi thép trong nước, doanh nghiệp thi nhau xuất khẩu kiếm lời. Khi đó, Bộ Tài chính trong hai tháng đã phải điều chỉnh thuế suất tới hai lần từ 0 - 5% lên 10% rồi 20% để ngăn chặn tình trạng xuất ngược ồ ạt phôi thép ra bên ngoài.
Nhiều doanh nghiệp thép đang bên vực phá sản. Ảnh: Như Ý. |
Tháng 7/2008, giá phôi thép thế giới lên đỉnh điểm là 1.200 USD một tấn, doanh nghiệp thép sốt sắng gõ cửa ngân hàng để nhập về 587.000 tấn sắt thép với niềm tin giá thép quý III/2008 sẽ tăng tiếp. Nhưng giá thép thế giới hiện giảm còn một nửa. Trong khi đó, sức mua trong nước tháng 9 cũng giảm 30% so với cùng kỳ vì nhiều dự án lớn bị cắt giảm.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam VSA, thừa nhận, do dự báo kém nên doanh nghiệp cố mua vào tích trữ để được lợi… Ai ngờ giá thế giới lại biến động.
Nguy cơ phá sản hàng loạt
Thông lệ hàng năm, sang mùa xây dựng, thị trường thép sẽ sôi động hẳn lên. Nhưng tình cảnh hiện trái ngược. Ông Cường cho biết, Thép Vạn Lợi nợ ngân hàng tới 400 tỷ đồng từ cuối tháng 6 đến nay chưa có khả năng trả. Món nợ của nhiều doanh nghiệp khác cũng không dưới trăm tỷ đồng cho những lô hàng giá cao nhập từ giữa năm. Để trả lãi ngân hàng, lương công nhân, nhiều doanh nghiệp phải cầm cự bằng cách cắt giảm tối đa chi phí: giảm số dây chuyền vận hành xuống 1/3, cán thép một tuần lại nghỉ một tuần…
Phó Tổng giám đốc Công ty Thép Đình Vũ, ông Lê Mạnh Hoàn, cho biết doanh nghiệp này đã cắt giảm 10 - 20% nhân công để bớt gánh nặng tài chính. Còn theo ông Cường, một số đơn vị thành viên của VSA thậm chí phải đi vay nóng bên ngoài để trả tiền điện, nước sản xuất vì hạn mức tín dụng của ngân hàng. Những doanh nghiệp thép như Vạn Lợi, Ống thép Việt Nam (Vinapipe), Liên doanh Thép Việt Nam - Singapore (NatSteelVina), Liên doanh Thép Việt - Úc (Vinausteel)…đã bị đình đốn sản xuất cả tháng nay.
Không chỉ doanh nghiệp nhỏ điêu đứng mà theo VSA, các đơn vị lớn như Thép Hòa Phát, Tổng công ty Thép cũng chật vật chẳng kém. Hàng ngàn công nhân đã bị mất việc.
Hiện những doanh nghiệp đã ngừng sản xuất chỉ còn biết cầm cự từng ngày. Nguy cơ phán sản trực chờ. Ông Cường nhận định: “Khó có thể lạc quan về sức tiêu thụ thép dù đã vào mùa xây dựng”. Ông Cường phân tích, kinh tế toàn cầu khó khăn, trong nước Chính phủ ưu tiên kiềm chế lạm phát, các công trình đầu tư, dự án lớn vẫn bị kiểm soát, trì hoãn sẽ không kích thích nhu cầu thép tăng mạnh.
Tiêu thụ trong nước khó, một số doanh nghiệp đã tính tới phương án sẽ xuất khẩu dù biết chắc sẽ lỗ. Mặt khác, họ cũng cầm cự để chờ chính sách mới của Nhà nước.
Theo VSA, tính đến hết tháng 9/2008, tổng lượng sắt thép tồn kho của các doanh nghiệp toàn ngành đã lên đến hơn 540.000 tấn phôi và hơn 400.000 tấn thép thành phẩm. Hiệp hội Thép Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế suất xuất khẩu sắt thép từ 10% xuống còn 2% để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện tiêu thụ thép trong nước gặp khó khăn. |
Báo Đất Việt