Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định ngành thép đã trải qua năm 2022 đầy khó khăn, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 29,3 triệu tấn, giảm 12% và bán hàng thép các loại đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7% so với năm 2021.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 12/2022, sản xuất và bán hàng thép tăng lần lượt 17% và 11% so với tháng trước, nhưng giảm lần lượt 21% và 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế quý IV/2022, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều có mức tăng trưởng âm so với các quý trước, tuy nhiên lượng xuất khẩu quý IV tăng tốt hơn.
Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm quý IV/2022 đạt 6 triệu tấn, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm trong quý này đạt gần 6 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 1,4 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cả năm 2022, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 29,3 triệu tấn, giảm 12% và bán hàng thép các loại đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu thép thành phẩm các loại của các doanh nghiệp thành viên của VSA giảm hơn 20% so với năm 2021.
“Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước ghi nhận điểm sáng với mức tăng trưởng khá cao hơn 8%, nhưng đối với ngành thép lại là một năm đầy khó khăn”, VSA nhận định.
(Nguồn: VSA)
Trong báo cáo chiến lược ngành thép 2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định ngành thép đã trải qua năm 2022 khó khăn dồn dập ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Cơn bĩ cực với ngành thép sẽ không sớm kết thúc khi ảnh hưởng tiêu cực của các xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế sau COVID và lạm phát khó hạ nhiệt nhanh chóng trong năm 2023.
VDSC nhận định tiêu thụ thép trong nước năm 2023 có thể được hỗ trợ bởi đầu tư công. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đạt 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Giải ngân đầu tư công đã tăng tốc dần trong quý IV/2022.
Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn khi tổng chi đạt 507.400 tỷ đồng, chiếm 47% kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương. Do đó, các nhà sản xuất thép xây dựng như Hòa Phát, Formosa, Thép Pomina… có thể hưởng lợi.
Còn về mảng xuất khẩu, VDSC cho rằng lạm phát tăng nhanh và làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu làm giảm nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, kéo theo tiêu thụ thép yếu dần từ quý III/2022. Xuất khẩu thép sẽ tiếp tục trầm lắng trong các quý I, II và đến giữa năm 2023 mới phục hồi khi áp lực tăng lãi suất dịu bớt trên toàn cầu.
Nguồn tin: Vietnambiz