Bên cạnh đó, tình trạng cung lớn hơn cầu cũng là những vấn đề đang đặt ra mà ngành thép cần phải điều chỉnh. Đây cũng là những chia sẻ của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam với Vietnam+ khi nhìn lại bức tranh của ngành thép 6 tháng đầu năm 2012.
- Xin ông cho biết bức tranh của ngành thép trong 6 tháng đầu năm có những thuận lợi và khó khăn gì?
Ông Phạm Chí Cường: Theo thống kê chính thức thì 6 tháng, các doanh nghiệp trong ngành đã sản xuất được 2.250.000 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ 2011. Lượng thép tiêu thụ cũng đạt xấp xỉ con số đó, tương đương 2.240.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ.
Tồn kho trong các doanh nghiệp sản xuất tính đến hết 6 tháng đầu năm là 330.000 tấn, dao động ở mức trung bình.
Nhưng vấn đề đặt ra là nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải tiết giảm sản xuất để khớp với nhu cầu thị trường. Hơn nữa là để tránh tình trạng lãi suất ngân hàng làm tăng chi phí.
Ước tính, với mỗi một tấn thép thì doanh nghiệp phải chịu lãi suất ngân hàng khoảng 250.000 đồng/tháng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã 2 tháng không sản xuất, thậm chí là giảm từ 3 ca xuống còn 2 ca để bớt công suất.
Có thể thấy, tình trạng khó khăn của ngành thép hiện nay có nguyên nhân sâu xa là do một thời gian dài doanh nghiệp ngành này đầu tư xây dựng nhà máy với công suất lớn một cách ồ ạt, không tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, việc tăng giá điện thêm 5% vào cuối tháng 6/2012 vừa qua cũng tăng thêm mối lo cho nhiều doanh nghiệp. Theo tính toán, giá điện hiện chiếm 6-7% giá thành sản xuất của các doanh nghiệp thép. Để làm ra 1 tấn thép phải sử dụng khoảng 600kWh.
Với giá điện tăng 5% sẽ làm đội giá thành sản phẩm lên ít nhất 39.000 đồng/tấn. Tính bình quân một doanh nghiệp sản xuất 40.000 tấn thép/tháng thì riêng chi phí tiền điện tăng thêm 1,56 tỷ đồng/tháng.
Giá điện tăng, chi phí đầu vào tăng nhưng các doanh nghiệp không thể tăng giá bán vì sức mua hiện nay gần như không có. Chính vì vậy doanh nghiệp sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa do không biết lấy gì để bù đắp.
Nhưng cũng đáng mừng là một số doanh nghiệp lớn như Việt Đức, Việt Úc, Việt Hàn, Hoa Sen, Pomila, Việt Nhật vẫn giữ được sản xuất đều đặn, không đến nỗi phải gián đoạn và tồn kho lớn.
- Vậy có doanh nghiệp nào phải phá sản chưa thưa ông?
Ông Phạm Chí Cường: Cũng đáng mừng là từ đầu năm đến nay chưa có doanh nghiệp nào tuyên bố phá sản cả.
Có được điều này là nhờ rất nhiều vào chính sách hỗ trợ từ phía Ngân hàng thương mại, nên nhiều doanh nghiệp cũng đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất.
- Năm 2011 xuất khẩu thép đạt kỷ lục từ trước đến nay, vậy năm nay có đạt được như kỳ vọng năm ngoái không thưa ông?
Ông Phạm Chí Cường: Chúng tôi cũng hy vọng cả năm 2012, xuất khẩu có thể tương đương như năm ngoái, nhưng một số thị trường lớn đang khó khăn và sự bảo hộ nội địa khiến xuất khẩu thép cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê, năm 2011 xuất khẩu thép được 2 triệu tấn, đem về 1,9 tỷ USD, còn 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thép cũng được gần 1 triệu tấn, tương đương gần 900 triệu USD, như vậy so với năm ngoái cũng không phải là giảm sút.
Hiện các doanh nghiệp thép đang hướng vào các thị trường mới và tiềm năng khác như thị trường châu Á và thị trường châu Phi là những nước kinh tế đang chuyển đổi nên việc xuất khẩu cũng rất thuận lợi.
Chúng tôi vẫn xác định khả năng năm 2012 tăng trưởng từ 3-4% so với năm 2012, nhưng để đạt được mục tiêu này thì vấn đề cốt tử nhất của các doanh nghiệp thép năm 2012 là làm thế nào duy trì sản xuất hiệu quả chứ không phải sản xuất bằng mọi giá.
Chính vì thế chúng tôi xác định, cố gắng làm thế nào giảm chi phí ở mức thấp nhất để tạo ra khả năng cạnh tranh, ngoài tiêu thụ trong nước sẽ cố gắng làm sao có giá cả hợp lý, đẩy mạnh xuất khẩu, giảm bớt sức ép trong nước.
Tuy nhiên, cũng lưu ý đến thực trạng nhiều dự án đầu tư thép vẫn mọc lên bất chấp tình trạng cung vượt cầu khiến thị trường mất cân đối nghiêm trọng.
Do vậy, kinh tế khó khăn cũng là điều kiện tốt để các doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất. Những dự án nào không hiệu quả cũng cần được xem xét và loại bỏ không nên cho tồn tại.
Xin cảm ơn ông!