Sang năm 2012, các doanh nghiệp thép nước ta phải đối mặt với 3 khó khăn lớn. Sản xuất thép phi 12 tại Công ty liên doanh Thép Việt-Úc (Hải Phòng). Ảnh: Hà Thái - TTXVN
Vui với kết quả 2011
Kết thúc 3 quý sản xuất kinh doanh năm 2011, theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thép, hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại SMC cho biết, 9 tháng đầu năm, SMC lợi nhuận sau thuế đạt 72,3 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm, tính đến hết quý III, SMC đã hoàn thành 90,3% kế hoạch lợi nhuận. Tin từ Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM) cũng cho biết, mặc dù thị trường bất động sản phía Nam tiếp tục đóng băng, nhưng với hệ thống phân phối mạnh và chi phí sản xuất thấp nên 9 tháng đầu năm, doanh số của POM đạt 8.941 tỉ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 386 tỉ đồng. Trước đó, trong báo cáo 6 tháng 2011, Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (VIS) cho biết, 9 tháng đầu năm 2011, VIS đạt 134,7 tỷ đồng lợi nhuận, so với kế hoạch 9 tháng đã đạt hơn 100% và vượt 40% về kế hoạch lợi nhuận năm 2011.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 9 tháng qua, sản xuất của toàn ngành đạt xấp xỉ 9,5 triệu tấn, tăng 2,67% so với năm 2010. Trong đó, sản phẩm thép mạ kim loại phủ màu tăng cao nhất, đạt 19,73%, các sản phẩm thép thanh, thép cuộn, thép hình chỉ tăng 1,93%. Duy nhất có thép cuộn cán nguội giảm 10,76%. Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2011 của các doanh nghiệp thép vẫn ổn định.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế mà phần lớn các doanh nghiệp ngành thép duy trì được hoạt động, vẫn có lãi chứng tỏ nhiều doanh nghiệp đang có sức cạnh tranh tốt. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã đi đúng hướng khi tăng xuất khẩu. Tính đến nay, giá trị xuất khẩu của ngành đạt hơn 1,3 tỉ USD.
Ba thách thức lớn
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện tại các doanh nghiệp thép đang đứng trước 3 khó khăn lớn:
Thứ nhất là lãi suất vay vốn có khả năng vẫn ở mức cao, trong khi đặc thù kinh doanh của ngành thép là phải sử dụng vốn vay lớn.
Thứ hai là kinh tế vĩ mô năm 2012 vẫn đặt trọng tâm là kiềm chế lạm phát, điều này đồng nghĩa thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, đầu tư công duy trì ở mức thấp nên nhu cầu sẽ giảm, đặt các doanh nghiệp vào tình thế cạnh tranh gay gắt. Trong cuộc cạnh tranh này, doanh nghiệp nào có công nghệ tiên tiến, quản trị tốt và hệ thống phân phối mạnh sẽ trụ lại được, còn những doanh nghiệp có thiết bị lạc hậu, thị phần nhỏ sẽ lâm vào khó khăn.
Thứ ba là trong hơn 100 doanh nghiệp thép hiện nay, chỉ có dưới 10% doanh nghiệp có công nghệ sản xuất thuộc diện tiên tiến, ví dụ như POSCO Việt Nam, Thép Phú Mỹ, Thép Pomina, Thép Việt Ý, Thép Thái Nguyên…, còn lại ở mức trung bình và lạc hậu khiến chi phí đầu vào rất lớn. Ví dụ, trong khi công nghệ sản xuất tiên tiến (lò điện) chỉ tiêu tốn hết 400 kWh/tấn thép thì công nghệ lạc hậu tiêu tốn 700 -800 kWh/tấn. Tới đây, nếu giá điện, xăng dầu tính đúng, tính đủ thì hàng loạt doanh nghiệp thép có công nghệ thấp sẽ cực kỳ khó khăn.
Với những điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại và những tín hiệu điều hành kinh tế năm 2012 mà Chính phủ đã phát thông điệp, các doanh nghiệp thép cho rằng, điều kiện kinh doanh sẽ khó khăn hơn năm 2011. Ông Phạm Chí Cường thừa nhận, triển vọng của ngành thép năm 2012 rất khó đoán định. Kinh tế vĩ mô có khởi sắc thì ngành thép mới có cơ hội “ăn theo”. Trong bối cảnh “để trụ được, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại bằng cải tiến công nghệ, quản trị để có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh… thì mới tồn tại được. Xu hướng bán lại nhà máy hoặc đóng cửa sẽ diễn ra trong thời gian tới bởi những doanh nghiệp không trụ được sẽ phải tự phá sản, sáp nhập…”, ông Cường nhận định.
Nguồn tin: Baotintuc