Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép khó lặp lại lợi nhuận cao năm 2010

Tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép trên thị trường đã tăng khoảng 600 đồng/kg, tương đương 600.000 đồng/tấn. Hiện giá thép cây và thép cuộn trên thị trường đang ở mức xấp xỉ 12.000 đồng/kg. Nhận định của cả Tổng công ty Thép Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam đều cho thấy, lợi nhuận cao của năm 2009 sẽ khó trở lại trong năm 2010.

Tăng giá đầu vào

Ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, cho biết, chi phí đầu vào với các DN thép đang tăng mạnh. Thứ nhất là yếu tố trong nước, đợt thay đổi tỷ giá hồi cuối năm 2009 đã đẩy mỗi tấn thép tăng chi thêm 350.000 đồng, tăng giá xăng dầu và điện làm chi phí đội thêm 100.000 đồng/tấn, cộng lại yếu tố trong nước làm tăng chi phí thêm hơn 400.000 đồng/tấn. Tác động từ yếu tố bên ngoài lại lớn hơn nhiều. Trước Tết, giá phôi thép dưới 500 USD/tấn, hiện giờ là 550 USD/tấn, các nhà cung cấp quặng sắt lớn trên thế giới đang đàm phán để tăng giá 30 - 40% trong năm nay, giá nguyên liệu gốc tăng mạnh tác động rất lớn tới giá sản phẩm. "Ngành thép có đặc điểm là khi tăng thì tăng giá rất nhanh và mạnh, khi xuống cũng vậy, do đó, hoạt động của DN bị ảnh hưởng mạnh trong năm nay", ông Hùng nói.

Một yếu tố nữa không thể không kể đến. Theo ông Hùng, năm ngoái ngành thép được hưởng lợi rất nhiều do Chính phủ giãn giảm thuế kích cầu đầu tư. Đồng vốn vay ngân hàng chỉ có lãi suất 4%, tiếp cận lại dễ dàng. Nay vốn vay có lãi suất tới 17 - 18%, các yếu tố thuận lợi như năm ngoái hầu như không còn, lợi nhuận của DN do vậy ảnh hưởng đáng kể.

 

Tăng giá đầu ra

Giá đầu vào tăng dữ dội như vậy, liệu giá thép trong nước sẽ leo thang tương ứng? Theo ông Hùng, giá có thể tăng song không thể tăng tương ứng vì nhu cầu tăng không theo kịp. Nguồn cung trong nước lớn do nhiều nhà sản xuất mới cộng thêm tình trạng nhập lậu tạo sản phẩm dư thừa, tín dụng thắt chặt khiến thanh toán khó khăn, DN thiếu vốn. Hiện tại, tổng công suất cán thép xây dựng vượt gần 2 lần công suất luyện, 80% sản lượng phôi thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu. Thừa công suất sản phẩm dẫn đến việc sử dụng công suất cán thép chỉ đạt khoảng 60 - 70%. Nhiều nhà đầu tư thép, kể cả chủ những dự án liên hợp lớn cũng không phải là những nhà luyện kim có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới. Điều đáng nói là một số DN không chuyên về thép cũng đầu tư vào các dự án thép. Nhiều DN hiệu quả đầu tư thấp, nhập khẩu các công nghệ lạc hậu, thép sản xuất dư thừa không bán được cho ai.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 2 tháng đầu năm, sản lượng thép trên cả nước đạt khoảng 750.000 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Lượng thép tồn kho khoảng 270.000 tấn, lượng phôi thép tồn khoảng 120.000 tấn, đủ cho sản xuất cả tháng 3/2010. Hiện tại, do khó khăn về vốn và là thời điểm đầu năm nên nhu cầu thép vẫn ở mức thấp. Các nhà thầu cho rằng, nhu cầu thép chỉ có thể tăng vào tháng sau khi các công trình xây dựng bắt đầu khởi công nhộn nhịp trở lại.

Để bảo vệ quyền lợi cho các DN ngành thép, VSA cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ một số giải pháp giảm nhập siêu thép như hạn chế nhập khẩu thép cán nguội và thép cuộn, không dành ngoại tệ cho các DN thương mại nhập khẩu thép phế... Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, năm 2009, ngành thép nhập gần 6 triệu tấn thép các loại, trong đó có một số mặt hàng dư thừa do trong nước có thể sản xuất, đáp ứng được nhu cầu (thép cán nguội, thép cuộn). Theo tính toán của VSA, nếu hạn chế nhập khẩu hai loại thép này, sẽ tiết kiệm gần 700 triệu USD, góp phần giảm nhập siêu và cũng bớt khó khăn cho DN sản xuất thép trong nước. Tuy nhiên, giải pháp trên cũng khó khả thi nếu chênh lệch giữa giá bán trong nước và giá thép trong khu vực quá cao.

Ngoài ra, một áp lực nữa với ngành thép. Theo Bộ Công thương, sắp tới, theo lộ trình cam kết với WTO, một số sản phẩm thép sẽ không được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi nữa. DN thép trong nước do vậy, cần áp dụng biện pháp ổn định sản xuất, củng cố hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ và điều chỉnh giá bán linh hoạt để tăng sức cạnh tranh.

Tinnhanhchungkhoan

ĐỌC THÊM