Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành Thép: Khó nội, hướng ngoại?

DN ngành thép vẫn muốn có được những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài hơn bởi đối với mặt hàng thép, việc phục vụ nhu cầu xây dựng, kiến thiết các công trình trong nước vẫn là chủ yếu, sau đó mới tính đến chuyện xuất khẩu.

Cung vượt cầu

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong những tháng đầu năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6/2012 ước đạt 380.000 tấn, giảm 12% so với tháng 5/2012. Tính chung sản lượng thép xây dựng trong 6 tháng đầu năm ước đạt 2,38 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Sở dĩ, sản xuất thép có sự sụt giảm nhanh chóng là do các DN ngành này đang tự tiết giảm sản xuất để giảm lượng hàng tồn kho. Tuy nhiên tiêu thụ thép vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm lượng thép tiêu thụ ước đạt 2,22 triệu tấn, giảm 7 % so với cùng kỳ. Chính điều này đã khiến cho lượng hàng tồn kho vẫn có xu hướng tăng nhanh do bài toán đầu ra chưa được giải quyết triệt để. Cộng thêm tình hình kinh tế trong nước, trong đó thị trường bất động sản, nơi tiêu thụ chính mặt hàng sắt thép vẫn đang bất động, nên lượng hàng tồn kho là khó tránh khỏi. Sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, trong khi các chi phí sản xuất vẫn có xu hướng tăng khiến cho nhiều nhà máy lâm vào tình trạng sản xuất cầm chừng hoặc tạm thời đóng cửa.

Một số công ty sản xuất thép khu vực phía Nam thời gian qua đã thông báo hạ giá thành 200.000 - 300.000đ/tấn. Tuy nhiên, động thái này cũng chưa đẩy được “cầu” thị trường tăng là bao. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết, giải phóng tồn kho, tránh tình trạng sản xuất bị gián đoạn như thời gian qua, nhiều DN ngành thép đã chủ động giảm giá bán. Điều này có lợi cho thị trường, tuy nhiên nó cũng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh khi các đại lý đua nhau chào giá thấp để lôi kéo khách hàng. Hiện giá thép phi 6, phi 8 tại một số tỉnh thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long… dao động từ 17.300đồng -17.800 đồng/kg. Chủ một số đại lý sắt thép xây dựng cho biết, chưa có năm nào tình hình tiêu thụ sắt, thép, xi măng… lại ế ẩm như năm nay.

Tìm hướng vượt khó


Theo ông Cường, tình trạng khó khăn của ngành thép hiện nay có nguyên nhân sâu xa do một thời gian dài DN ngành này đầu tư xây dựng nhà máy với công suất lớn một cách ồ ạt, không tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường. Mặt khác thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào như phôi, thép phế nhập về giảm 15-20 USD/tấn khiến DN tranh thủ nhập hàng phục vụ sản xuất…. Song bài toán đặt ra hiện nay, phải nhanh chóng tìm cách gỡ khó bởi không ít DN ngành này đang sống dở chết dở do “ôm” lượng hàng tồn kho quá lớn trong khi lãi ngân hàng không trả nổi.

Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch CTCP Thép Việt cho biết, DN ngành thép đang tìm mọi cách xoay xở, từ tiết giảm chi phí, cắt giảm năng suất, giờ làm, hạ giá thành sản phẩm… song một hướng đi mà nhiều DN ngành này chưa quan tâm một cách đúng mức chính là xuất khẩu. Bấy lâu nay, đa phần, các DN sản xuất thép chỉ chú trọng phục vụ nhu cầu nội địa, nhưng thị trường đang khó khăn, bó hẹp thì “xuất ngoại” cũng chính là phương án khả thi. Theo ông Thái, thị trường một số nước lân cận như Lào, Campuchia và gần đây là việc mở cửa thị trường Myanmar…không những là truyền thống mà còn rất tiềm năng đối với mặt hàng sắt thép xây dựng, do nhu cầu của nước bạn ngày một cao. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số DN có sản phẩm sắt thép xuất khẩu, đây cũng là giải pháp tình thế bởi yêu cầu bức bách đặt ra, DN muốn giải phóng hàng tồn kho, nhanh chóng thu hồi vốn về nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh mất việc làm cho công nhân. Còn về lâu về dài, DN ngành thép vẫn muốn có được những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài hơn bởi đối với mặt hàng thép, việc phục vụ nhu cầu xây dựng, kiến thiết các công trình trong nước vẫn là chủ yếu, sau đó mới tính đến chuyện xuất khẩu.

Nguồn tin: vinacorp

ĐỌC THÊM