Ngành thép không lo điện tăng giá mà chỉ lo bị cắt cúp điện bất thình lình gây gián đoạn sản xuất, sẽ thiệt hại gấp nhiều lần cho DN. |
- Ngành thép không "ngại" điện tăng giá, chỉ sợ bị thiếu điện, bị cắt cúp điện bất thình lình làm tiêu hao năng lượng và tốn kém hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp sản xuất thép.
Trong cuộc trao đổi ngắn với PV báo Kinh tế & Đô thị mới đây, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: ?Trong cơ cấu giá thành 1 tấn thép thì giá điện chỉ chiếm trên 5 - 10% nên không phải vì tăng giá điện mà ảnh hưởng giá thép, giá thép biến động chủ yếu phụ thuộc vào sự biến động giá thép phế, giá nguyên liệu, tỷ giá, lãi suất... Ngành điện vẫn luôn kêu ca là ngành thép "lợi dụng" giá năng lượng rẻ để xuất khẩu. Tôi xin đính chính là tuy ngành thép xuất khẩu được 1,3 triệu tấn, nhưng thực ra trong 1,3 triệu tấn thép xuất khẩu đó có gần 1 triệu tấn là thép gia công, tái xuất như cuộn cán nguội, có khoảng 1/2 triệu tấn của Posco, thép ống... chỉ tiêu hao 100 kWh/tấn, chứ không phải là 600 - 700 kWh/tấn như nhiều người nói. Hơn nữa, vì cung đang cao hơn cầu trong nước, công suất sản xuất thép đều gần gấp đôi so với nhu cầu nên các doanh nghiệp thép buộc phải xuất khẩu, chứ không phải họ lợi dụng giá điện rẻ để xuất khẩu.
Nhiều người hỏi tăng giá điện có làm ảnh hưởng tới ngành thép hay không, thực tế chúng tôi không lo điện tăng giá mà chỉ lo bị cắt cúp điện bất thình lình. Ngành điện cứ tính đúng giá thành đi, nhưng phải đảm bảo cung cấp đủ điện và không cắt "bất tử". Vì cắt điện là gây gián đoạn sản xuất, sẽ thiệt hại gấp nhiều lần cho doanh nghiệp, tôi đang nấu thép mà mất điện thì sản phẩm đông ngược trở lại sẽ phải nấu lại từ đầu, tốn rất nhiều điện.
Quan điểm của tôi là ủng hộ tăng giá điện để ngành này có tiền đầu tư nâng cấp hạ tầng nguồn điện. Hơn nữa. nếu không tăng giá điện thì không thể nào đóng cửa những nhà máy lạc hậu. Trong ngành thép đang tồn tại hai hệ thống công nghệ, chênh lệch về tiêu hao năng lượng của hai hệ thống này là rất lớn, chẳng hạn một lò luyện hiện đại chỉ tiêu hao 350 - 400 kWh/tấn, nhưng nhà máy sử dụng công nghệ cũ tiêu hao tới 600 kWh/tấn. Và dù dùng công nghệ lạc hậu tiêu hao năng lượng gấp đôi thì doanh nghiệp vẫn "sống" được vì chi phí năng lượng có hơn 5% giá thành - họ chính là nhữngdoanh nghiệp đang được bao cấp về điện. Nhà nước không thể bù lỗ mãi như thế vì điện cũng như thép, cũng là ngành sản xuất kinh doanh, phải thu đủ chi. Nhưng giá điện tăng cần có lộ trình, từng bước, đừng gây sốc cho thị trường. Riêng đối với ngành thép, việc tăng giá điện sẽ buộc các doanh nghiệp phải đào thải công nghệ lạc hậu, cải tiến kỹ thuật để có chi phí năng lượng thấp và giá thành cạnh tranh. Trên thực tế, nhà máy thép Đình Vũ đã bán cho thép Uc. Hiện, một số nhà máy thép sử dụng công nghệ lạc hậu từ những năm 90 của thế kỷ trước, không thể cạnh tranh được cũng đã phải rao bán. Đây là một xu hướng tất yếu của ngành thép, các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận nếu muốn trụ lại trên thị trường”.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị